VinFast tại Mỹ bị giáng những đòn chí tử, nhà đầu tư Việt Nam sẽ “dính chưởng”?

Ngày 8/5, một số tờ báo tại Mỹ đưa tin, chiếc ô tô điện hiệu VinFast gặp tai nạn tại Pleasanton hồi tháng trước, đã gặp sự cố về hệ thống lái, trước khi vụ tai nạn xảy ra, khiến chiếc xe bị cháy, và 4 người trong xe thiệt mạng.

Hồ sơ từ Cục Quản lý An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia Mỹ cho biết, ít ngày sau vụ tai nạn, có người đã nộp đơn khiếu nại nhà sản xuất ô tô điện VinFast, với các chi tiết khá khớp với vụ tai nạn ở Pleasanton. Người viết đơn khiếu nại cũng cho biết, trước đây họ từng gặp vấn đề với việc, vô lăng của chiếc xe bị lệch, tự động lái sang phải. Người này cho biết, họ là chủ sở hữu chiếc xe và người lái xe gặp tai nạn là đồng nghiệp của họ.

Tai nạn giao thông có thể xảy ra với bất kỳ phương tiện nào, thương hiệu nào. Tuy nhiên, điều khác biệt là nguyên nhân gây tai nạn, do lỗi người điều khiển hay do lỗi nhà sản xuất. Nếu tai nạn nói trên là lỗi của nhà sản xuất, thì VinFast sẽ gặp rắc rối lớn.

Ở nước Mỹ, nơi có nền tư pháp độc lập, không ai có thể mua bán án như ở Việt Nam. Để thoát tội ở Mỹ, bị đơn có thể thuê luật sư giỏi để bào chữa, nhưng, nếu có chứng cứ đầy đủ, thì không luật sư nào có thể bảo vệ. Vậy nên, dù VinFast có bung ra bao nhiêu tiền đi nữa, thì cũng chắc chắn sẽ gặp khó trong vụ này.

Hiện nay, VinFast đang phải đối mặt với một loạt vụ kiện ở Mỹ. Hai vụ kiện tập thể do các công ty luật Pomerantz và Robbins Geller dẫn đầu, nhắm vào việc thiếu trung thực khi đưa ra các thông tin kêu gọi đầu tư trên sàn chứng khoán Nasdaq của VinFast. Một đơn kiện của Tập đoàn thép đa quốc gia ArcelorMittal về việc VinFast vi phạm bản quyền đối với 2 bằng sáng chế mà công ty này sở hữu.

Cổ phiếu VinFast đang phải vật lộn, để không bị thủng mốc 2 USD. Trong tuần này, giá của VFS gắng gượng lên được trên 3 USD, nhưng rồi lại rơi xuống sát mốc 3 USD. Với những tai tiếng đang dồn dập đổ xuống, cổ phiếu của VinFast rất khó để trụ lại ở mức giá hiện nay.

Trên thị trường chứng khoán, VinFast bị kiện vì đưa thông tin mập mờ, với mục đích “lùa gà”. Trên thị trường hàng hóa thì xe bị lỗi gây tai nạn chết người, và bị kiện do ăn cắp mẫu sáng chế. Không những bị kiện tụng bủa vây khắp nơi, tình hình kinh doanh của VinFast cũng không sáng sủa, khi hãng xen này thua lỗ triền miên và ngập trong nợ nần. Phần lớn xe nhập khẩu vào Mỹ bị nằm bãi, phơi nắng phơi sương vì không bán được. Vậy VinFast thoát đường nào?

Hiện nay, ông Phạm Nhật Vượng như con nghiện cờ bạc, bị kích thích bởi sự hiếu thắng và tính may rủi. Sau mỗi lần thua thì ông lại xuống tiền nhiều hơn hòng mong gỡ gạc.

Nếu nói, người đánh bạc đánh cuộc với nhà cái, thì ông Vượng đánh cuộc với thị trường ô tô toàn cầu. Sau khi thua tơi tả trên đất Mỹ, ông quyết định đổ nhiều tiền hơn vào Ấn Độ, với hy vọng thị trường đông dân và dễ tính này sẽ mang lại chiến thắng cho canh bạc của ông.

Câu hỏi đặt ra là, ông Vượng lấy tiền đâu ra để cược hàng tỷ đô vào những canh bạc này? Câu trả lời là, tiền từ VinGroup, bởi việc huy động vốn trên thị trường chứng khoán Nasdaq xem như đã thất bại hoàn toàn.

Vậy câu hỏi phát sinh sẽ là, VinGroup lấy tiền đâu ra để nuôi VinFast? Câu trả lời, tất nhiên là tiền từ nhà đầu tư tại Việt Nam – những người không được cơ chế minh bạch bảo vệ, như các nhà đầu tư Mỹ.

Thị trường Mỹ đang giáng những đòn chí tử vào VinFast, và đòn đánh đó sẽ bay sang Việt Nam, giáng các nhà đầu tư chứng khoán đã lỡ mua cổ phiếu VinGroup. Một khi, hệ sinh thái Vin sụp đổ, thì các nhà đầu tư sẽ mất trắng, còn tiền của ông Vượng thì gia đình ông ăn nhiều đời cũng không hết.

 

Trần Chương – Thoibao.de