Lên Chủ tịch nước, liệu Tô có cân nổi Bộ Chính trị hay không?

Ghế Chủ tịch nước là hữu danh vô thực. Tuy nhiên, từng có một Chủ tịch nước nắm quyền lực ngầm rất lớn, đó là ông Lê Đức Anh. Trước khi lên Chủ tịch nước, ông Lê Đức Anh từng là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Sức mạnh của ông Lê Đức Anh lúc đó cũng theo công thức không khác mấy so với ông Nguyễn Phú Trọng hiện nay, đó là, ghế Tứ trụ thao túng lực lượng vũ trang. Ông Lê Đức Anh lên làm Chủ tịch nước, nhưng dây mơ rễ má của ông rải khắp Bộ Quốc phòng. Thậm chí, đến khi đã lui về làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tiếng nói của ông Lê Đức Anh vẫn rất có trọng lượng.

Cũng lên Chủ tịch nước từ vị trí đứng đầu một lực lượng vũ trang, thế nhưng, ông Trần Đại Quang lại không có được quyền lực ngầm như ông Lê Đức Anh, và cái kết là ông đã phải mất mạng một cách bí ẩn.

Trường hợp Lê Đức Anh và Trần Đại Quang là 2 tấm gương cho Tô Lâm, một thành công, một thất bại. Về mức độ gây thù chuốc oán trong Bộ Chính trị, Tô Lâm cao hơn hai người kia. Nếu lên Chủ tịch nước mà vuột mất quyền kiểm soát đối với Bộ công an, thì không biết, số phận của ông Tô Lâm sẽ bi thảm như thế nào? Ngược lại, nếu lên Chủ tịch nước mà nắm chắc Bộ Công an, Tô Lâm sẽ khiến cho cả Bộ Chính trị phải “kinh hồn bạt vía”, và lúc đó, cửa đến với ghế Tổng Bí thư sẽ rộng mở.

Với các thành viên Bộ Chính trị hiện nay, họ xem Tô Lâm như là một mối nguy. Bởi đã là uỷ viên Bộ Chính trị, thì không mấy ai không dính phốt lớn nhỏ. Mà dù cho không có phốt, thì Tô Lâm cũng hoàn toàn có thể “chế tạo” ra.

Nếu lên Chủ tịch nước và đưa được đàn em Hưng Yên lên làm Bộ trưởng Bộ Công an, thì lúc đó, Tô Lâm chẳng khác nào một “thái thượng hoàng” trong Bộ Công an. Ông ngồi ở phủ Chủ tịch mà vẫn có thể chỉ đạo quân tướng đánh phá sang phủ Thủ tướng, Văn phòng Quốc hội và cả Văn phòng Trung ương Đảng. Đấy là một mối nguy thường trực đối với tất cả các uỷ viên Bộ Chính trị, uỷ viên Trung ương Đảng khác.

Thời điểm Tô Lâm rời ghế Bộ trưởng Bộ Công an, được xem là lúc “cua lột xác”, tức là, thời điểm mà Tô Lâm yếu nhất. Lúc này, Bộ Chính trị cần hợp lực để cắt đứt cái đuôi Hưng Yên ra khỏi Bộ Công an, và sau đó, thừa thắng xông lên áp chế luôn phe này cùng với ông trùm của nó. Nếu để cho Hưng Yên tiếp tục nắm Bộ Công an, thì xem như, hậu hoạ đang chờ các thành viên Bộ Chính trị, trong một tương lai rất gần.

Cuộc chiến giữa phe Hưng Yên và phe Nghệ An trong thời gian qua, đã cho thấy sức mạnh của phe Hưng Yên như thế nào? Trong Bộ Chính trị, chỉ một mình Tô Lâm mà đã đủ sức để cân cả 3 uỷ viên phe Nghệ An, khiến cho Vương Đình Huệ phải ngã gục xuống ngựa. Nhưng cứ sau mỗi trận chiến thắng, thế nào cũng phải binh hao lực tổn, đây là thời điểm tốt nhất để có thể đánh úp. Nếu chần chừ, để cho Tô Lâm có thời gian củng cố sức mạnh, thì e, lúc đó, cả Bộ Chính trị hợp lực cũng không thể nào quật nổi Tô Lâm.

Cuộc chiến này khiến cho những người quan sát tập trung chú ý vào Tô Lâm, vào những gì mà ông đạt được. Hiện nay, không chỉ Bộ Chính trị, mà cả Trung ương Đảng cũng vừa căm vừa sợ Tô Lâm. Gần như, các nhóm lợi ích địa phương đã tê liệt hết trước thế lực Hưng Yên của Tô Lâm. Cả Bộ Chính trị bây giờ chỉ biết trông chờ vào Tổng Trọng. Nhưng dù ông Trọng có ra tay, thì vẫn không chắc có quật được Tô Lâm hay không.

Nguyễn Phú Trọng đang rút ra thanh bảo kiếm cuối cùng – đó là quân đội. Nhưng liệu quân đội có hạ được Tô Lâm hay không, thì vẫn phải chờ xem. Việc điều tra Công ty Xuân Cầu của Tô Dũng cần có thời gian. Trong khi đó, việc ngăn cản thế lực Hưng Yên nắm Bộ Công an đang rất cấp bách. Chưa biết ông Trọng sẽ xoay sở như thế nào?

Thành hay bại, phụ thuộc rất nhiều vào Hội nghị Trung ương 9 lần này.

 

Thái Hà – Thoibao.de