Tham nhũng huỷ hoại chế độ và sự quay lại của mô hình chuyên chế

Ngày 6/6, RFA Tiếng Việt đăng bài bình luận của tác giả Huỳnh Trần, với tựa đề “Tham nhũng huỷ hoại chế độ toàn trị, cảnh báo đỏ về mô hình chuyên chế trở lại”.

Theo tác giả, mô hình chuyên chế đã quay trở lại, trong đó, Đảng – Nhà nước được củng cố theo hướng “nhất thể hoá” với tính chất cách mạng, thiên về sử dụng sức mạnh bạo lực được thúc đẩy. Sự thay đổi này được coi như một phản ứng “tự vệ”, trước sự tồn vong của chế độ Đảng Cộng sản lãnh đạo “toàn diện và tuyệt đối”, trong bối cảnh quốc tế biển đổi nhanh, phức tạp khó lường.

Tác giả nhận xét, sự “chuyển đổi”này có thể quan sát thấy, qua nhiều sự kiện liên tục, và, đặc biệt các biến cố chính trị gần đây. Trong đó:

  1. khủng hoảng nhân sự ở thượng tầng “Tứ trụ”, liên quan đến chống tham nhũng.
  2. khó khăn kinh tế, hiệu ứng phức tạp của thị trường, niềm tin vào chế độ giảm sút, ẩn chứa bất ổn xã hội.
  3. các yếu tố trong và ngoài nước khác, đang thách thức năng lực lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị, trong đó nhấn mạnh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao mức sống người dân, để đảm bảo tính chính danh của chế độ.

Tác giả cho rằng, đây là tình thế có thể đẩy đất nước vào giai đoạn thay đổi khó lường, bởi vậy cần thiết phải nâng cấp cảnh báo.

Tác giả đề cập đến Chỉ thị mật 24-CT/TW, ban hành ngày 13/7/2023, của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, về “Bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng”.

Bên cạnh đó là “Chỉ thị số 9” của Đảng Cộng sản Trung Quốc – đồng minh ý thức hệ của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhấn mạnh về nguy cơ an ninh chế độ, khi hội nhập, mở cửa làm ăn với phương Tây.

Tác giả nhận định, trong khi những tranh luận vẫn diễn ra căng thẳng, đối nghịch nhau, về các vấn đề tự do, dân chủ, nhân quyền nói chung, và từ nội dung của Chỉ thị 24-CT/TW nói riêng, thì sự “chuyển đổi” từ “toàn trị” sang “chuyên chế” đã diễn ra như con sóng ngầm, không thấy trên bề mặt, nhưng mạnh mẽ dưới tầng sâu.

Tác giả cho hay, giới lãnh đạo Đảng trong những năm đầu thực hiện chủ trương “Đổi mới”, đã “nhận ra” những rào cản thể chế, và đã dần gỡ bỏ, trong đó có sự “song trùng” giữa 2 cơ quan của Đảng và Nhà nước, nhưng cùng một chức năng, chẳng hạn Ban nông nghiệp (của Đảng) và Bộ Nông nghiệp (của nhà nước)…

Tuy nhiên, những đòi hỏi cải cách thể chế mạnh hơn nữa, để đáp ứng nhu cầu từ thực tế, tăng cường hội nhập và mở rộng kinh tế thị trường để tăng trưởng, đã thách thức năng lực lãnh đạo, quản lý của Đảng…

Tác giả đánh giá, thay vì cải cách thể chế chính trị tương thích với thể chế kinh tế, Đảng vẫn theo đuổi quyền lực tuyệt đối, để tạo ra những chủ trương, chính sách, và các cơ quan, tổ chức “chuyên chế” để đối phó với tham nhũng đã lan rộng và nghiêm trọng…

Ngoài ra, các quy tắc Đảng cũng là những “đặc sản” của chế độ toàn trị.

Như một hệ quả của sự tập trung quyền lực để cai trị, sự tăng cường của các bộ sức mạnh, như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, và sự đại diện của các lãnh đạo trong cơ cấu của cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng – Bộ Chính trị.

Hơn nữa, theo tác giả, những khác biệt về thời điểm và sự chuyển giao ngôi vị Tổng Bí thư, khiến giới quan sát không khỏi “lo lắng” về những gì sẽ đến với đất nước và người dân Việt Nam. Một điều không thể trong lúc này là bản chất chế độ không thay đổi, với 2 trụ cột chủ yếu: Bộ máy đặc quyền và ý thức hệ Cộng sản.

Trong bối cảnh tham nhũng huỷ hoại chế độ toàn trị, và thách thức sự kiên nhẫn của người dân, mô hình chuyên chế đã quay lại Việt Nam, và, câu hỏi đặt ra là, liệu giới lãnh đạo có tránh được vết xe đổ mà các “đồng minh” ý thức hệ đang sa vào?

 

Ý Nhi – thoibao.de