Thủ Chính thiết lập thế đứng mới trước “hung thần” họ Tô?

Cuộc chiến cung đình đang tạm yên ắng. Dự là tới Hội nghị Trung ương 10 sẽ có nhiều trận kịch chiến, để tranh giành suất uỷ viên Bộ Chính trị. Trước đây, có đến 4 ứng viên cho chức Tổng Bí thư, nhưng giờ đây chỉ còn 2, đó là Tô Lâm và Phạm Minh Chính. Thế liên minh tạm thời giữa Tô Lâm và Phạm Minh Chính rất có thể sẽ là sớm “đổ vỡ”, đặc biệt, khi mà, Tổng Trọng sắp chết.

Tô Lâm chưa ngồi vào ghế Tổng Bí thư, nên vẫn chưa chắc chắn là người về đích. Còn đó Phạm Minh Chính – đối thủ nặng ký hơn Vương Đình Huệ rất nhiều. Tô Lâm cần phải nhớ, tại Đại hội 13, Phạm Minh Chính từng làm cú nước rút, vượt qua Vương Đình Huệ ở ngay vạch đích. Đồng thời, trải qua bao sóng gió chính trường, bao nhiêu người gục ngã, nhưng Phạm Minh Chính vẫn đứng vững.

Sau khi Tô Lâm lên Chủ tịch nước, và giành được chức Bộ trưởng Bộ Công an cho đàn em thân tín, thì Phạm Minh Chính có chuyến đi Trung Quốc và gặp gỡ Tập Cận Bình. Hầu hết, quan chức Việt Nam trong hàng “Tứ trụ”, khi sang Trung Quốc đều tìm cách gặp Tập Cận Bình.

Cho đến nay, dù là phe nào, dù phe thắng hay phe bại, thì đều tìm kiếm sự che chở của Bắc Kinh. Trước khi “tạo phản”, vào tháng 9/2023, ông Tô Lâm đi Bắc Kinh. Khi bị Tô Lâm dí đến đường cùng, thì Vương Đình Huệ cũng tìm cách đi Bắc Kinh dài ngày. Giờ đây, sau khi Tứ trụ triều đình đã thiết lập trật tự mới, Phạm Minh Chính lại có chuyến đi Bắc Kinh.

Chuyện lãnh đạo các nước thăm thú qua lại là chuyện bình thường, trong quan hệ ngoại giao giữa các nước. Thời kỳ toàn cầu hóa, đây là điều cần thiết. Tuy nhiên, những chuyến thăm của quan chức Cộng sản Việt Nam sang Bắc Kinh lại không bình thường, các cam kết được ký kết trong các chuyến đi này cũng không bình thường.

Khi ông Chính thăm Trung Quốc, Vietnam Airlines đã tỏ ý xem xét về việc mua máy bay dân dụng do Trung Quốc sản xuất. Đây là canh bạc mạo hiểm, mà người trả giá cho sự mạo hiểm đó, là tính mạng của hành khách. Bởi sự an toàn của máy bay Trung Quốc vẫn đang là dấu hỏi lớn trên thị trường thế giới. Các hãng bay trên thế giới, kể cả hãng bay Trung Quốc cũng đang tỏ ra thận trọng.

Ngoài ra, trong chuyến đi này, ông Chính còn đề nghị phía Trung Quốc xây dựng đường sắt đô thị cho Việt Nam, bất chấp sự thất bại thảm hại của dự án Cát Linh – Hà Đông. Đây là việc tự chuốc lấy thiệt thòi cho Việt Nam, vậy ông Phạm Minh Chính đổi lấy cái gì? Điều này chỉ có ông Phạm Minh Chính và ông Tập Cận Bình biết.

Những ký kết với trung Quốc, đem lại bất lợi cho Việt Nam, bị hầu hết giới thạo tin đánh giá rằng, đấy là sự đổi chác. Các quan chức của chính quyền Cộng sản Việt Nam đều đem quyền lợi quốc gia ra, đổi lấy sự ủng hộ chính trị từ Trung Quốc, theo cách như thế. Bất kỳ quan chức Cộng sản nào, cứ sang Bắc Kinh là lại ký những điều khoản bất lợi cho đất nước. Nhưng khi sang các nước phương Tây, họ vẫn đòi hỏi quyền lợi một cách sòng phẳng. Vậy thì, không dùng quyền lợi quốc gia để mua lấy ủng hộ chính trị của Trung Quốc, thì là gì đây?

Chuyến đi của Phạm Minh Chính sang Trung Quốc, liệu có mang lại sự an tâm cho ông Thủ tướng hay không thì chưa biết, chỉ biết, ông Chính có thể an tâm hơn, so với việc lạnh nhạt từ Bắc Kinh.

Trong thời loạn sứ quân này, Tập Cận Bình không dại gì đi thọc tay sâu vào chính trường Việt Nam, để đè người này cứu người kia, khi mà người nào cũng mang quyền lợi quốc gia sang dâng cho thiên triều. Bên nào thắng thì Bắc Kinh cũng có lợi. Cho nên, dù củng cố quan hệ với Bắc Kinh, Phạm Minh Chính vẫn phải tự lo cho bản thân, trước một hung thần họ Tô đang muốn tẩy sạch tất cả.

Hậu Nguyễn Phú Trọng sẽ là trận “chung kết” Tô – Chính, mỗi người đều phải tự lo lấy thân. Ai thắng thì người ấy cũng sẽ thay mặt toàn Đảng, mang quyền lợi quốc gia sang thiên triều cúng tiếp.

 

Hoàng Phúc – Thoibao.de