Tập thể Bộ Chính trị, trừ Tô Lâm là 15 người, nhưng lại không chống nổi sự áp đặt của Tô Lâm. Tuy mới chỉ có lần đầu tiên Bộ Công an làm được điều đó, nhưng nó cũng báo hiệu một mối nguy rằng, nếu Bộ Chính trị không có biện pháp để hạn chế quyền lực của Tô Lâm, thì tổ chức siêu quyền lực này sẽ không bị một lần, mà còn nhiều lần nữa sẽ bị Bộ Công an khống chế.
So với những đời Chủ tịch nước trước đây, Tô Lâm là người có thực quyền lớn nhất. Thực quyền của ông hiện nay không khác gì của Tổng Trọng thời còn đỉnh cao. Như vậy, có thể nói, khi Tô Lâm vào “Tứ trụ”, thì trật tự của nhóm Tứ trụ đã bị xáo trộn rất nhiều.
Tô Lâm là người có khả năng quan sát và rút kinh nghiệm rất tốt. Người đi trước Tô Lâm là Trần Đại Quang – cũng từ Bộ Công an lên làm Chủ tịch nước, nhưng vì không nắm chắc Bộ Công an, nên đã nhận kết quả không thể bi thảm hơn. Có lẽ, kết cục của Trần Đại Quang đã giúp Tô Lâm ủ mưu, và thực hiện âm mưu hoàn hảo hơn người tiền nhiệm.
Sự nghiệp chính trị của Tô Lâm được đúc kết từ 2 người thầy: Nguyễn Phú Trọng và Trần Đại Quang.
Cách ông Trọng xây dựng hệ sinh thái quyền lực, đã cho Tô Lâm một công thức để thành công. Đấy là phải nắm chắc Bộ Công an, rồi mới nói chuyện “phải quấy” với những kẻ khác. Chỉ khi nắm chắc Bộ Công an, thì ngồi ngôi cao mới an toàn.
Người thầy thứ hai – Trần Đại Quang, với kết cục bi thảm, đã cho Tô Lâm thấy rõ những vết xe đổ của người tiền nhiệm, để Tô Lâm có thể tránh được thất bại như Trần Đại Quang đã từng.
Điều trớ trêu là, hiện nay, Tô Lâm đang ra sức khống chế người thầy đã cưu mang ông suốt 8 năm, từng che chở cho ông thoát khỏi vụ đại án Mobifone mua AVG, và từng ưu ái cho ông được tự ý hành động trong nhiều trường hợp. Có thể nói, nếu không có bàn tay nâng đỡ Nguyễn Phú Trọng, thì không có Tô Lâm như ngày nay. Vậy thì, vì lý do gì Tô Lâm lại tạo phản?
Có lẽ, ông Trọng không đánh giá hết sự nguy hiểm của Tô Lâm, và có phần coi thường Tô Lâm, nên mới bị làm phản. Với một người dám “vào sinh ra tử” để phục vụ ý đồ của ông Tổng, thì lẽ ra, ông Tổng nên chọn Tô Lâm làm “thái tử”, thay vì chọn Vương Đình Huệ. Phải chăng, đó là do ông Trọng đánh giá ông Huệ có trí tuệ, còn Tô Lâm là tướng võ biền?
Hiện nay, Tô Lâm đang tăng cường bắt bớ, để lần lượt ép những nhân vật được Nguyễn Phú Trọng nâng đỡ phải rời chính trường. Di sản của ông Nguyễn Phú Trọng để lại, Tô Lâm xem là mối nguy, và đang ra tay thanh lọc. Giờ đây, dù ông Tổng đang nằm trên giường bệnh, nhưng cũng phải căng sức ra để chống đỡ thuộc hạ cũ.
Hơi thở của Tổng Trọng đang ngày một yếu dần, mà ông càng yếu, thì Tô Lâm mới càng có cơ hội lộng hành. Rồi đây, những người từng được ông Tổng cất nhắc, phải tự lo lấy bản thân, và ngay cả bản thân Tổng Trọng cũng phải tự lo cho mình. Bao nhiêu năm nuôi một người, để rồi giờ đây, chính người đó không để cho ông yên, dù ông đã gần đất xa trời.
Tô Lâm ngày một nổi lên như một người không biết đến ân nghĩa, không biết đến luật pháp, không biết đến trách nhiệm vv… Đấy là một sản phẩm của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chính ông hô hào “chống tham nhũng không có vùng cấm”, mà từ đầu, ông đã tạo vùng cấm cho một kẻ “phản trắc” như Tô Lâm, để nuôi cho kẻ này lớn mạnh, và giờ đây, ông phải trả giá.
Rồi đây, người “phản trắc” như ông Chủ tịch nước sẽ lại là thước đo cho sự thành công trong Đảng. Tất cả những gì đã và đang diễn ra trong Đảng hiện nay, đều là hậu quả do Tổng Trọng tạo ra. Chính ông đã tạo ra sự hỗn loạn này, mặc dù ông không cố ý.
Trần Chương – Thoibao.de