Nhân sự cho ghế Tổng Bí thư tại Đại hội 14, vẫn có thể thay đổi vào phút chót

Giới phân tích quốc tế và truyền thông phương Tây đều cho rằng, ông Tô Lâm sẽ trở thành Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước. Đồng thời, ông sẽ nắm trọn quyền lực lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, sau Đại hội Đảng 14 tới đây.

Ngay sau khi Tổng Trọng qua đời, theo Thông báo của Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Tô Lâm trở thành quyền Tổng Bí thư. Với lý do, trước khi chết, ông Trọng đã bày tỏ sự tin tưởng đối với việc ông Tô Lâm sẽ tiếp tục duy trì công cuộc “đốt lò”, chống tham nhũng, do ông Trọng để lại.

Theo giới phân tích, Chủ tịch Tô Lâm vốn là cựu Bộ trưởng Công an, là người có khả năng nhất trong việc lèo lái “con thuyền” Việt Nam, vốn đang đối mặt với thách thức địa chính trị từ Trung Quốc. Quan trọng hơn, Ban lãnh đạo Hà Nội hy vọng, ông Tô Lâm có đủ kinh nghiệm để duy trì mối quan hệ cân bằng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, để đảm bảo quyền lợi chính trị, cũng như kinh tế của Việt Nam.

Chỉ trong hơn 3 năm đầu của Đại hội 13, đã có tới gần một nửa ủy viên Bộ Chính trị phải “khăn gói” ra đi. Do đó, Thông báo của Bộ Chính trị ngày 18/7 cho thấy, về cơ bản, trong nội bộ lãnh đạo cấp cao đã có sự đồng thuận, dù chưa phải là tuyệt đối, về việc ông Tô Lâm sẽ trở thành Tổng Bí thư tại Đại hội 14.

Theo Quy định 214/QĐ – TW của Bộ Chính trị, tại thời điểm hiện nay, chỉ có Chủ tịch nước Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính đủ tiêu chuẩn để trở thành ứng viên chức Tổng Bí thư, do đã có ít nhất trọn 1 nhiệm kỳ là uỷ viên Bộ Chính trị. Tuy nhiên, ông Tô Lâm là một sự thay thế tốt hơn cho vị trí của ông Trọng. Ông Phạm Minh Chính không thể vừa là Thủ tướng Chính phủ, vừa giữ cương vị Tổng Bí thư.

Từ nay tới Đại hội 14, còn nhiều bất ngờ có thể xảy ra. Chủ tịch Tô Lâm đang ở tình thế có ít sự ủng hộ từ Ban lãnh đạo cấp cao, và các ứng viên trong cuộc đua, ai cũng có con bài tủ của riêng mình.

Nhà báo David Brown mới đây nhận xét: “hiện chỉ còn một người có khả năng ngáng đường ông Tô Lâm trở thành Tổng Bí thư, đó là Thủ tướng Phạm Minh Chính”.

Do đó, vấn đề còn phụ thuộc vào việc ông Tô Lâm có thể lôi kéo đủ đồng minh hay không.

Cơ hội cho Đại tướng Lương Cường – Thường trực Ban Bí thư vẫn còn. Vì đến Đại hội 14, ông Lương Cường đã làm trọn một nhiệm kỳ Ủy viên Bộ Chính trị, tức thỏa mãn Quy định 214 cho điều kiện ứng cử chức vụ Tổng Bí thư. Hơn nữa, theo các nguyên tắc của Điều lệ Đảng quy định, Thường trực Ban Bí thư, tương đương Phó Tổng Bí thư, sẽ thay thế cho Tổng Bí thư để điều hành hoạt động của Ban Chấp hành Trung ương, cho đến lúc Ban Chấp hành Trung ương họp “bất thường” bầu ra Tổng Bí thư mới.

Từ nay đến Đại hội 14 còn 16 tháng, là thời gian đủ dài, để ban Đảng và các tướng lĩnh Quân đội có thể xoay chuyển tình thế. Cho nên, không loại trừ khả năng Thường trực Ban Bí thư Lương Cường có thể vượt lên.

Quy định số 214 còn nêu tiêu chuẩn “trường hợp đặc biệt” dành cho các ứng viên của chức danh Tổng Bí thư. Theo đó, ứng viên cũng có thể không hội đủ một số tiêu chuẩn theo quy định. Trường hợp này sẽ do 180 uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương chính thức biểu quyết để quyết định.

Đây là một thách thức lớn, đòi hỏi ứng viên phải có uy tín để nhận được sự tín nhiệm của số đông. Đây cũng là điều hạn chế đối với Chủ tịch Tô Lâm, nhưng ngược lại, là lợi thế của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thường trực Ban bí Thư Lương Cường.

Vạn vật luôn vận động, chính trị Việt Nam cũng vậy, do đó, chưa thể khẳng định chắc chắn rằng, ai sẽ là Tổng Bí thư tại Đại hội Đảng 14 tới đây.

Bài học kinh nghiệm vào cuối năm 2015 cho thấy, lúc đó, hầu hết giới quan sát và phân tích chính trị Việt Nam trong nước và quốc tế đều cho rằng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ thua cuộc trước Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong cuộc đua quyền lực vào chiếc ghế Tổng Bí thư tại Đại hội 12.

 

Trà My – Thoibao.de