Cái tắt thở của ông Trọng, củi đang cháy dở vui như trẩy hội!

Ông Nguyễn Phú Trọng được xem là chủ của “lò” đốt tham nhũng. Trong 13 năm cầm quyền, ông khiến không ít người phải ôm hận. Hàng trăm quan chức lớn nhỏ bị quẳng vào lò, trong đó, từng có những thanh củi gộc trong Bộ Chính trị. Thanh củi gộc gần nhất được nhiều người quan tâm, là Lê Thanh Hải.

Lễ tang Tổng Trọng có ông Nguyễn Tấn Dũng – cựu Thủ tướng, và ông Lê Thanh Hải – cựu Bí thư Thành Hồ đến dự. Ông Nguyễn Tấn Dũng là thanh củi “không thể cháy” trong lò ông Trọng, còn ông Lê Thanh Hải là thanh củi đang cháy dở. Có lẽ, ông Trọng chết đi, không ai mừng bằng Nguyễn Tấn Dũng và Lê Thanh Hải. Nguyễn Tấn Dũng có nhiều mối thâm thù với ông Tổng, còn Lê Thanh Hải thì đang bị Tổng Trọng lên danh sách đen.

Mặc dù lò vẫn cháy rực sau khi Tổng Trọng ngã xuống, nhưng xem ra, ông Lê Thanh Hải đã thoát khỏi ngọn lửa của lò. Nguyên nhân là lò đã đổi chủ, thì mục đích đốt lò cũng khác đi. Ông Trọng đốt lò vừa với mục đích thanh trừng, vừa mục đích làm sạch Đảng, theo cách ông nghĩ. Trong khi đó, Tô Lâm đốt lò không vì mục đích làm trong sạch Đảng, mà chỉ có mục đích duy nhất – đấy là thanh trừng những kẻ không cùng phe nhóm.

Tô Lâm sẽ ưu tiên việc thanh trừng đối với những người mà ông cho là có nguy cơ đe dọa nhóm lợi ích Hưng Yên của ông. Chính vì thế, quan chức về hưu và không có ý cấu kết với thế lực khác, để tranh giành với nhóm Hưng Yên như Lê Thanh Hải, thì Tô Lâm sẽ gác lại. Tô Lâm đang dồn lực đánh nhóm Nghệ An và Hà Tĩnh, 2 nhóm đe dọa thế độc tôn của nhóm Hưng Yên.

Khi còn sống, Nguyễn Phú Trọng nhiều lần muốn tóm Lê Thanh Hải nhưng bất thành. Năm 2018, ông Trọng cho khui vụ án Thủ Thiêm và truy bản đồ gốc, để bứng nhóm Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân và Nguyễn Văn Đua. Tuy nhiên, bằng cách nào đấy, Lê Thanh Hải đã cho đàn em làm biến mất bản đồ gốc, khiến thanh tra gặp khó khăn trong việc xác định sai phạm.

Đến năm 2019, ông Trọng cho Tô Lâm vào Sài Gòn bắt Lê Tấn Hùng – em trai Lê Thanh Hải, ra Hà Nội để khai thác. Tuy nhiên, kết quả lại không thể cạy ra được gì từ cái miệng của em ông “trùm đất Sài Gòn” này.

Lần thứ 3 vào đầu năm 2024, ông Trọng cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương xới lại những sai phạm của ông Lê Thanh Hải. Đây được xem là lần mà ông Trọng quyết tóm cho bằng được Lê Thanh Hải. Nhưng rồi, ngay lúc đấy, Tô Lâm tạo phản, khiến cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ xử lý ông Lê Thanh Hải về mặt Đảng, còn phần pháp luật, xem như Lê Thanh Hải thoát.

Với những ân oán như vậy, có lẽ, Lê Thanh Hải là người rất vui khi Nguyễn Phú Trọng nhắm mắt. Trong đám tang, ông Hải không công khai bày tỏ vui mừng như Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng rõ ràng, ông Hai Nhật đã thoát mối đe dọa lớn, khi ông Trọng chết đi.

Lò dưới thời Tô Lâm, vì không còn mục đích làm sạch Đảng nữa, thì rõ ràng, những quan chức ăn bạo mà an phận thủ thường, không tham gia vào các nhóm quyền lực lớn để đấu với nhóm Hưng Yên, thì có thể an tâm. Lò đổi chủ thì luật chơi cũng đổi theo.

Ông Nguyễn Phú Trọng là người giáo điều, cả đời ông trung thành với lý tưởng Cộng sản, và ông tin rằng, ông làm sạch Đảng thì sẽ giúp Chủ nghĩa Xã hội thành công. Còn Tô Lâm thì không có lòng tin ngây thơ như vậy. Đối với Tô Lâm, chỉ có sức mạnh cứng, sức mạnh từ nòng súng. Tô Lâm cũng không cần phải xây dựng hình ảnh một Tổng Bí thư “thanh liêm”, mà chỉ tập trung xây dựng hình ảnh một bạo chúa, chỉ cần nhắc đến tên thì bất kỳ thế lực nào cũng phải khiếp sợ.

Lò lọt vào tay Tô Lâm, lửa vẫn cháy bùng bùng, nhưng một số kẻ an phận thủ thường có thể an tâm “ăn của dân không chừa một thứ gì”!

 

Hoàng Phúc – Thoibao.de