Chống tham nhũng mà chỉ “đốt lò” thì không hiệu quả

Link Video: https://youtu.be/PsbB3l-NxR4

Ngày 21/4, RFA Tiếng Việt có bài bình luận về chính trị Việt Nam với tựa đề “Tham nhũng khó giải quyết rốt ráo nếu ông Trọng chỉ chăm “đốt lò””, của tác giả Quốc Phương, một cộng tác viên của RFA từ London.

Tác giả dẫn ý kiến của blogger Phạm Viết Đào, người từng là Trưởng phòng Thanh tra hành chính và phòng chống tham nhũng thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch của Việt Nam, cho biết hôm 19/4, “Đốt lò chỉ là giải pháp tình thế của Đảng Cộng sản Việt Nam”, và nó “không giải quyết được tận gốc vấn đề”. Theo blogger Phạm Viết Đào, thì “gốc của vấn đề chống tham nhũng là vấn đề sở hữu” vì, nếu là của chung “thì người ta sẽ tìm mọi cách để chụp giật mà thôi.”

Tác giả dẫn đánh giá của ông Đào về tình trạng tham nhũng hiện nay, cho rằng, “đây là một sự buông tuồng và sa đọa đến cùng kiệt của bộ máy hành chính nhà nước”, và sự sa đọa này đã đến mức “không còn cái gì có thể che giấu được nữa”.

“Nếu cứ tiếp tục đi bắt chuột như thế thì không bao giờ cho hết được. Vấn đề là phải bắt đầu từ cơ chế, cơ chế giải quyết hiện nay đang mâu thuẫn, một mình Đảng Cộng sản hay một mình nhà nước không thể giải quyết được vấn đề. Mà vấn đề là phải ở dân, bất cứ vấn đề gì cũng phải ở dân giải quyết, mà họ vào cuộc thì mới giải quyết được triệt để.”

Tác giả dẫn bình luận của ông Đào, cho rằng, “nhiều chính khách, quan chức của Việt Nam không phải là những người chuyên nghiệp, họ chỉ do Đảng đào tạo, đôn lên mà thôi, thành ra khi họ nhìn thấy các cơ hội, là họ bập vào, họ “chén”.

“Còn một vấn đề nữa, đó là người ta cho rằng “hy sinh đời bố, củng cố đời con”. 

“Thành ra, nếu có bị dăm ba năm tù, thì cũng chẳng có ý nghĩa gì, khi kiếm được mấy tỷ thì họ vẫn có lãi. Bây giờ tham nhũng người ta tính rồi, nếu giá trị là một chục tỷ VNĐ, có đi tù 10 năm, thì vẫn có lợi.”

Bình luận về việc thu hồi tiền bạc, tài sản tham nhũng, ông Đào cho rằng, hiện tượng “dọa” để quan tham trả lại tiền tham nhũng thì “đó là sự “làm luật”, người ta điều chỉnh các khoản ăn chia… có thu hồi, nhưng cái đó cũng là hình thức thôi” và “rất khó có bằng chứng”.

“Nhiều vụ nói thu hồi một hay hai phần trăm, thì cái đó chỉ là hình thức, trong luật thì cũng có quy định hễ anh nộp lại một ít, thì cũng đã được giảm án tùy theo mức đó rồi. Luật áp dụng lại không được nghiêm nữa, thì lại càng nhập nhèm.”

Hình: Bài trên RFA

Ông Đào còn đề cập đến “tham nhũng về quyền lực” vốn có thể liên quan không chỉ cá nhân, nhóm, mà còn tới cấp độ tập thể nữa. Ông dẫn câu chuyện Lã Bất Vi buôn vua, và cho rằng, “tham nhũng quyền lực chính là buôn vua đấy”.

“Vấn đề bây giờ là một nhà nước, một thể chế mà như một cái nhà, anh tạo ra được những cái rường cột, cái nhà nó mới vững.”

“Do đó phải là vấn đề gốc về cơ chế, mà cái đó thì hoặc là họ chưa đủ trình độ nhận thức được hết, hoặc chưa đủ khả năng giải quyết, và nay họ vẫn lập lờ cái đó.”

“Để giải quyết tận gốc vấn đề, thì ở đây muốn nói đến một chế độ lành mạnh, một cơ chế để cho người ta phát triển, chứ không phải chống tham nhũng để cho danh phận của một ông A, ông B, hay ông C nào đấy.” 

“Mà động đến Đảng, là động đến cả một hệ thống quyền lực mà đã ăn sâu trở thành quán tính, mà do bản năng con người là về quyền lợi, cho nên những đường dây quyền lực đó, mà họ đang nắm, thì họ không tự nhiên từ bỏ được, họ thôi làm sao mà được?

“Bây giờ ở Việt Nam, người dân nào mà có quyền chống tham nhũng? Mà bây giờ Đảng và Nhà nước tự chống, thế nhưng nếu hỏi ai tham nhũng, thì lại thấy chỉ có quan chức trong hệ thống Đảng, chính quyền, như là trong Chính phủ có tham nhũng, thử hỏi như trường hợp Chính phủ tự chống tham nhũng thì chống thế nào được?”

Xuân Hưng – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Mối quan hệ giữa bất bình thường giữa Thúy Nga và Tân Hiệp Phát

>>> Rò rỉ thông tin về đồn công an chìm Trung Quốc tại nhiều quốc gia.

>>> Chính quyền Quận hạt Chatham chuẩn bị cho việc xây dựng nhà máy VinFast

Vì sao vịnh Hạ Long ngập rác?