Từ chứng bất lực đến nổi ung nhọt, ông Thủ mang trong người những gì?

Chính phủ ông Phạm Minh Chính hiện nay đang tích lũy những khối u của nền kinh tế. Đến lúc, các khối u này bục ra, thì người dân, doanh nghiệp, sẽ là những người gánh hậu quả nặng nhất, còn phần ông Thủ tướng Phạm Minh Chính, thì cùng lắm là không tiếp tục nhiệm kỳ 2.

Khi những khó khăn đổ dồn, thì bộ máy Chính phủ chỉ lo phần chống đỡ, còn thời gian đâu mà triển khai những chính sách mới đây? Lấy ví dụ như việc ông Thủ tướng Phạm Minh Chính lập nên 5 tổ công tác, đi đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công đang bị nghẽn, chính là hành động chống đỡ, hành động vá lại những lỗ hổng trước đây. Với khối lượng công việc cực lớn là 63 tỉnh và thành phố, cùng với 36 bộ và cơ quan ngang bộ đang bị nghẽn vốn, thì 5 tổ công tác không biết đi kiểm tra chừng nào cho xong đây? Nếu tập trung vào kiểm tra thì thời gian ở đâu những người này thực hiện công việc mới. Mà nếu có công việc mới thì liệu có kham nổi hay không?

Đấy là những chính sách của Chính phủ, sự ảnh hưởng của việc thực thi chính sách kém hiệu quả, dù làm cho nền kinh tế khó khăn, nhưng không đến mức nguy hiểm bằng việc nếu để xảy ra mất an ninh năng lượng. Đảm bảo cho nền kinh tế có đủ năng lượng hoạt động là điều kiện tiên quyết, là điều kiện cực kỳ quan trọng để thực hiện mọi chính sách khác. Nếu thiếu năng lượng, nền kinh tế sụp đổ ngay và luôn, mà không có độ trễ nào so với những chính sách khác.

Mới đây, thị trường xăng dầu trong nước lại phập phồng lo nguồn cung, khi Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn “dọa” ngừng hoạt động. Trong báo cáo khẩn mới đây của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) gửi Bộ trưởng Bộ Công thương, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN (PVN), Lọc dầu Nghi Sơn nhấn mạnh, rủi ro dừng hoạt động vì thiếu hụt dòng tiền và không đạt được thỏa thuận tái cấu trúc tài chính.

Vấn đề mất an ninh năng lượng đang lởn vởn

Lại chuyện thiếu hụt dòng tiền. Đây là điểm yếu cố hữu trong Chính phủ của ông Phạm Minh Chính. Vấn đề điều phối dòng tiền, khai thông dòng tiền cho nền kinh tế, là vấn đề nan giải từ nhiều năm nay. Đến nay, nó đã và đang ảnh hưởng đến ngành năng lượng xăng dầu. Dù bất kỳ lý do gì, việc để nhà máy lọc dầu Nghi Sơn ngưng hoạt động cũng là một thảm họa cho nền kinh tế.

Từ tháng 10 ngoái đến nay, đã là 6 tháng mà Bộ Công thương đã để xảy ra 2 lần thiếu hụt xăng dầu. Ấy vậy mà ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công thương, không có cách nào để giải quyết dứt điểm khó khăn này. Cái sai của ông Phạm Minh Chính là chọn một ông Bộ trưởng bất tài như ông Nguyễn Hồng Diên nắm Bộ Công Thương.

Từ chỗ Bộ Công thương không xử lý được vấn đề, thì vấn đề đã được đẩy lên Thủ tướng. Với quyền lực trong tay, có thể điều hành nhiều bộ phối hợp, mà đặc biệt là sự kết hợp giữa Bộ Tài chính và Bộ Công thương, ấy vậy mà sự phối hợp này cũng không ăn ý, và cho đến nay, nhà máy lọc dầu lớn nhất Việt Nam đang có nguy cơ ngưng hoạt động. Đấy là một căn bệnh nghiêm trọng của ông Thủ tướng, căn bệnh bất lực. Bất lực trước những chính sách mang tính sống còn cho nền kinh tế.

Từ căn bệnh bất lực, những ung nhọt cứ lần lượt trồi lên. Từ vấn đề giải ngân nguồn vốn đầu tư công, cho đến vấn đề an ninh năng lượng, vấn đề nào cũng lớn như quả núi Himalaya vậy. Liệu rằng, với năng lực như vậy, ông Thủ tướng Phạm Minh Chính có xử lý dứt điểm được những ung nhọt này không?

Ông Nguyễn Phú Trọng là người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, ông là Ban trưởng của Tiểu ban Nhân sự Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 13 năm 2021. Và ông đã chọn nhân sự cho Đảng thế nào, mà để một con người có năng lực hạn chế như ông Phạm Minh Chính làm Thủ tướng. Nền kinh tế lao đao, lỗi trước tiên thuộc về ông Thủ tướng, nhưng ông Nguyễn Phú Trọng cũng không thể vô can.

Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)

Link tham khảo:

https://sputniknews.vn/20230423/nghi-son-be-tac-va-tuyet-vong-chuyen-gi-xay-ra-voi-nha-may-loc-dau-lon-nhat-viet-nam-22597173.html

https://thanhnien.vn/loc-hoa-dau-nghi-son-lai-doa-dung-hoat-dong-185230424133029786.htm