Bắt giữ Vụ trưởng Nguyễn Văn Bình: Thủ Chính lộ mặt đi ngược quyền lợi của người lao động?

Theo kế hoạch, nhà nước Việt Nam dự kiến trong năm 2024 sẽ phê chuẩn Công ước 87 của Liên Hiệp Quốc, về “quyền tự do lập hội và bảo vệ quyền tổ chức”.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Hà Nội cho rằng, Công ước 87 được ký sẽ trở thành một cơ sở pháp lý quan trọng, để Việt Nam xây dựng các văn bản pháp luật, hướng dẫn một cách chi tiết về việc thành lập và hoạt động của các công đoàn độc lập.

Tuy nhiên, mới đây, ngày 6/5, tổ chức Dự án 88 (Project 88) – một tổ chức chuyên vận động nhân quyền cho Việt Nam, tố cáo, Công an Việt Nam đã bắt giam ông Nguyễn Văn Bình – Vụ trưởng Vụ pháp chế thuộc Bộ Lao động Thương binh Xã hội, từ ngày 15/4, nhưng không hề công bố.

Sau khi bị Project 88 tố, 3 ngày sau, ngày 9/5, truyền thông nhà nước mới chính thức đưa tin về việc bắt giữ ông Bình. Phải chăng, chỉ sau khi thông tin bị lộ, thì công an mới chịu thừa nhận sự việc?

Ông Nguyễn Văn Bình, 51 tuổi, Tiến sĩ Luật, thông thạo Anh ngữ, đã bị khởi tố theo Điều 337 Bộ luật Hình sự 2015, với tội danh “cố ý làm lộ bí mật nhà nước; chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước”, với khung hình phạt từ 2 tới 15 năm tù.

Truyền thông quốc tế và các tổ chức quốc tế về nhân quyền, ngay lập tức đã bày tỏ sự lo ngại về vụ bắt giữ này.

Vụ bắt giữ ông Bình diễn ra ngay trước thềm phiên điều trần của Việt Nam trước Bộ Thương mại Mỹ, ngày 8/5/2024, theo giới quan sát, sẽ ảnh hưởng lớn đến quyết định của Hoa Kỳ, về việc có đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các quốc gia có “nền kinh tế phi thị trường” hay không.

Theo Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam, chính quyền Việt Nam đã đồng ý phê chuẩn Công ước 87 vào năm 2023, nhưng họ đã 2 lần trì hoãn. Hiện nay, ở Việt Nam chỉ có một tổ chức công đoàn duy nhất, là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nằm dưới sự điều khiển của Đảng.

Trên cương vị Vụ trưởng Vụ Pháp chế, ông Bình được quốc tế ghi nhận là có nhiều nỗ lực nhằm thúc đẩy quyền của người lao động Việt Nam. Ông Bình là người chủ trì cho các đề xuất: Ban hành Bộ luật Lao động 2019 của Việt Nam; phê chuẩn một số công ước cốt lõi của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trong đó có Công ước số 98 về Quyền Tổ chức và Thương lượng tập thể, Công ước số 105 về Bãi bỏ Lao động Cưỡng bức.

Ngoài ra, ông Bình đã nhiều lần tuyên bố về nghĩa vụ và trách nhiệm của Chính phủ Việt nam, khi cho rằng:

“Không phân biệt đối xử là một tiêu chuẩn quốc tế mà Việt Nam đã cam kết, và đây là cam kết nằm trong một thế hệ hiệp định thương mại tự do mới.”

Phải chăng, những tuyên bố và việc làm của ông Bình khiến nhà nước Việt Nam cảm thất bị thách thức, nên họ đã quyết định bắt giữ ông?

Theo tổ chức Dự án 88, vụ bắt giữ ông Nguyễn Văn Bình có liên quan đến Chỉ thị 24 – một chỉ thị mật của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, về việc bảo đảm an ninh quốc gia và chống “diễn biến hoà bình”, mới bị rò rỉ cách đây không lâu. Theo chỉ thị này, Bộ Chính trị đã ra lệnh cho Chính phủ phải thắt chặt kiểm soát xã hội dân sự, nhà đầu tư nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ, và thậm chí là cả việc công dân đi du lịch nước ngoài. Chỉ thị 24 yêu cầu Chính phủ Việt Nam cho thí điểm thành lập một số công đoàn độc lập, nhưng khẳng định rằng, mọi tổ chức công đoàn phải do nhà nước kiểm soát.

Dự án 88 cho hay, thời điểm bị bắt, ông Bình đang dẫn đầu nỗ lực phê chuẩn Công ước 87 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), để trình Quốc hội Việt Nam thông qua. Nếu được thông qua, Công ước này sẽ đảm bảo quyền thành lập công đoàn độc lập của người lao động, mà không cần sự cho phép trước.

Việc Công an bắt giữ ông Nguyễn Văn Bình, cho thấy, Chính phủ đang nỗ lực nhằm vô hiệu hóa mối đe dọa từ các chính phủ nước ngoài, hệ thống các tổ chức xã hội dân sự độc lập, và các tổ chức quốc tế về cải cách lao động. Điều mà giới lãnh đạo Việt Nam rất dè chừng, lo sợ sự ảnh hưởng của nước ngoài trong các hoạt động cải cách lập pháp, và hoạch định chính sách phát triển.

Công luận cho rằng, việc bắt giữ ông Bình càng cho thấy, Chính phủ của ông Chính đã coi các nhà cải cách là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Nhà nước Việt Nam vẫn luôn công khai phản đối công đoàn độc lập. Nhưng vẫn hứa hẹn với các nước khác cũng như với các tổ chức quốc tế, để có thể ký kết được các hiệp định song phương và đa phương.

Điều đó, một lần nữa cho thấy, nhà nước Việt Nam vì đảm bảo an ninh về chính trị cho chế độ, nên sẵn sàng bỏ qua lợi ích của giới lao động nói riêng, và toàn thể người Việt Nam nói chung./.

 

Trà My – Thoibao.de