Việt Nam có thể bỏ lỡ cơ hội vì những biến động chính trị

Ngày 9/7, VOA Tiếng Việt cho hay “Viện Lowy: Biến động chính trị ở Việt Nam đang kìm hãm nền kinh tế”.

VOA dẫn nhận định của Viện nghiên cứu Lowy – Viện nghiên cứu về chính sách quốc tế có trụ sở ở Sydney của Úc – cho rằng, biến động chính trị cùng chiến dịch chống tham nhũng gây tranh cãi, và việc đình trệ ra quyết định, đang làm suy yếu quá trình phục hồi và có nguy cơ hạn chế khả năng hưởng lợi của Việt Nam, từ việc dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo Viện Lowy, cuộc chiến chống tham nhũng được Tổng Trọng phát động từ năm 2016, còn được gọi là “đốt lò”, chỉ thực sự bùng nổ vào năm 2023. Trong vòng 1 năm, số vụ tham nhũng và số công chức bị buộc tội, ở tất cả các cấp chính quyền, nhiều gấp 3 lần so với năm 2016. Trong đó, 2 chủ tịch nước và 1 chủ tịch quốc hội phải rời ghế, gây ra những sự biến động chính trị chưa từng có tiền lệ. VOA cho biết, khu vực tư nhân cũng bị ảnh hưởng bởi chiến dịch chống tham nhũng này, khi nhiều giám đốc điều hành của các tập đoàn hàng đầu trong nước, trong nhiều lĩnh vực khác nhau, như bất động sản và y tế… đã bị bắt giữ hay bị bỏ tù. Trong đó, cựu trùm bất động sản Trương Mỹ Lan bị kết án tử hình.

Viện Lowy cho rằng, “không có gì ngạc nhiên” khi tổng vốn đầu tư năm ngoái của Việt Nam đã giảm. Đầu tư tư nhân trong nước cũng giảm, đặc biệt khi lĩnh vực bất động sản, trong khi, đầu tư công tăng và tăng trưởng FDI ổn định không đủ để bù đắp cho sự sụt giảm này.

Việt Nam phải đối mặt với một số rủi ro lớn, khi sự hỗn loạn trong lĩnh vực tài chính và bất động sản phủ bóng đen lên tương lai của đầu tư tư nhân. Nhưng, biến động chính trị của chiến dịch chống tham nhũng dường như là hạn chế cấp bách nhất đối với Việt Nam, theo viện nghiên cứu Úc.

VOA dẫn nhận định của hai nhà nghiên cứu Ahmed Albayrak và Roland Rajah, viết trong bài phân tích của Lowy, rằng:

“Việc từ chức của các quan chức cấp cao trong Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương, đang gieo rắc nỗi sợ hãi cho các công chức cấp thấp hơn. Các quy trình hành chính đang bị chậm trễ, do các quan chức không muốn ký phê duyệt.”

“Ngoài sức ì quan liêu, tình trạng từ chức hàng loạt đang làm giảm khả năng thực thi, đặc biệt là ở chính quyền địa phương.”

“Với việc các quan chức Việt Nam cực kỳ thận trọng trong việc ký kết các quyết định đầu tư công, việc giải ngân chi tiêu theo kế hoạch vẫn ở mức thấp. Tính đến tháng 5 năm nay, chỉ có 22,3% kế hoạch chi tiêu được giải ngân” – 2 nhà nghiên cứu trên viết và trích dẫn nhận định của các tổ chức tài chính quốc tế lớn, cho rằng, đầu tư công là chìa khóa để phục hồi kinh tế nhanh hơn.

VOA dẫn một hãng truyền thông quốc tế, hồi tháng 2/2023 cho biết, các quan chức của Việt Nam cảnh giác khi ký kết các dự án đầu tư, vì sợ rằng, họ có thể dính líu đến tham nhũng, và ngày càng chọn phương án “không làm gì cả” để tránh rắc rối.

Theo VOA, Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới và các nhà tài trợ phương Tây hồi tháng 5/2024, cảnh cáo Chính phủ Việt Nam về sự thất vọng của họ, đối với những rào cản pháp lý và thủ tục phê duyệt kéo dài, gây ra bế tắc, giữa lúc Việt Nam bị bủa vây bởi chiến dịch chống tham nhũng leo thang, và tình trạng bất ổn chính trị.

Vẫn theo Lowy, việc đình trệ ra quyết định “trở thành điểm nghẽn” trong việc thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng sạch, cũng là một vấn đề nóng ở Việt Nam.

“Việt Nam có sản lượng điện mặt trời và gió cao nhất ASEAN nhưng tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng chưa theo kịp. Nhiều dự án hạ tầng năng lượng bị chậm tiến độ do thủ tục hành chính kéo dài” – theo Lowy.

Nhà sản xuất chip Intel vào năm ngoái quyết định không mở rộng hoạt động tại Việt Nam, với lý do lo ngại về nguồn cung cấp điện thiếu ổn định và thủ tục hành chính rườm rà.

“Sẽ có thêm [các nhà đầu tư] làm theo, hoặc tệ hơn là tiếp tục như vậy nếu tình trạng tê liệt chính sách tiếp tục cản trở các khoản đầu tư công bổ sung cần thiết”, Lowy nhận định. “Nếu điều đó xảy ra, Việt Nam có thể bỏ lỡ cơ hội của mình”.

 

Thu Phương – thoibao.de