Tác hại của việc để Công an quản lý kinh tế

Ngày 16/7, RFA Tiếng Việt bình luận “Bộ trưởng Công an chỉ đạo kinh tế 2 địa phương Đà Nẵng và Hưng Yên: quan ngại về tác hại”.

RFA đề cập đến việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký quyết định phân công nhiệm vụ quản lý kinh tế đối với tân Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang, ở Đà Nẵng và Hưng Yên, làm dấy lên những lo ngại về sự khuynh loát của Bộ Công an, khi cựu Bộ trưởng Công an – ông Tô Lâm – vừa lên nắm chức Chủ tịch nước.

RFA dẫn nhận xét của một cựu công an, cho rằng:

“Khi Thủ tướng Phạm Minh Chính phân công cho Thượng tướng Lương Tam Quang làm việc với Đà Nẵng và Hưng Yên như thế, tức, họ sẽ mở rộng cái quy định cho những địa phương này phát triển, và bóp chặt những địa phương khác, khoan cho phát triển. Khi Đà Nẵng và Hưng Yên phát triển theo ý họ rồi, thì họ tha hồ tung hô nhau, rằng công an thành công như thế nào trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, để từ đấy lấn qua cả giáo dục, y tế, giao thông… nói chung là một xã hội công an trị”.

RFA cho biết, việc phân công mới này cũng gây ra thắc mắc về vai trò và nhiệm vụ của các ban ngành trong Chính phủ Việt Nam hiện nay, khi chức năng nhiệm vụ của Bộ Công an theo quy định là bảo vệ an toàn , trật tự xã hội, bảo vệ an ninh quốc gia.

RFA dẫn đánh giá Luật sư Đặng Đình Mạnh, cho rằng:

“Điều đó cho thấy vị thế khuynh loát tuyệt đối của Bộ Công an trong giai đoạn hiện nay. Về phương diện pháp lý, Bộ Công an vẫn chỉ là một trong các bộ thành viên thuộc Chính phủ, đứng đầu là Thủ tướng, người lãnh đạo cao nhất. Nhưng trong thực tế, Bộ Công an đã hoàn toàn khống chế toàn bộ hệ thống quyền lực chính trị, bao gồm cả Bộ Chính trị và các ban đảng trung ương.”

RFA dẫn tiếp nhận định của Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ ở Na Uy rằng, sở dĩ có sự lớn mạnh của hệ thống công an trị trong chế độ Cộng sản, là do sự thiếu vắng những lãnh đạo có tầm ảnh hưởng ngay bên trong Đảng Cộng sản, bên cạnh sự lớn mạnh của nền kinh tế và sự trưởng thành về nhận thức của người dân nói chung.

“Một hiện tượng dễ thấy trên chính trường Việt Nam hiện nay, đó là sự thống trị của lực lượng công an. Ông Chủ tịch nước và ông Thủ tướng đều có gốc công an. Vì giới lãnh đạo là công an, nên họ dễ dàng nói chuyện và làm việc với giới công an, những người trong lĩnh vực của họ hơn, kết quả là, công an được cất nhắc đảm nhận nhiều vai trò hơn trong xã hội.”

Theo RFA, trên thực tế, Bộ Công an cũng tham gia làm kinh tế cũng giống như Bộ Quốc phòng ở Việt Nam. Một bài báo vào năm 2017 trên tờ Công An Nhân Dân cho biết, Bộ Công an vào lúc đó đã có 10 doanh nghiệp, với tổng số vốn nhà nước hơn 1.200 tỷ đồng. Trong số các doanh nghiệp này, Tổng Công ty Viễn thông Toàn cầu (GTEL) được cho là phát triển mạnh mẽ nhất.

RFA dẫn nhận định của chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành:

“Về Bộ công an, làm kinh tế không phải là chức năng, nhiệm vụ của họ. Ăn thua là thế mạnh thực tế chứ không phải là thế mạnh về công quyền.”   

Tiến sĩ  Nguyễn Huy Vũ cho rằng, việc Bộ Công an quản lý kinh tế sẽ gây tác hại cho Việt Nam. Ông nói:

Một hậu quả lớn của chế độ công an trị, đó là, kinh tế sẽ đi vào bế tắc. Giới công an được đào tạo chỉ để trấn áp và kiểm soát xã hội; họ không quen với tư tưởng tự do và thúc đẩy sáng tạo. Một nền kinh tế sẽ không thể tiến lên nếu nó không có sáng tạo. Và một xã hội sẽ không thể sáng tạo nếu nó không có tự do. Hậu quả của việc công an cầm quyền nó sẽ lớn vô cùng, và cái tai hại lớn nhất, đó là, nó sẽ khiến đất nước lỡ một cơ hội vàng để đưa Việt Nam trở thành một nước có thu nhập cao trong vòng 20 năm tới, vào lúc mà mức dân số vàng của Việt Nam vừa chấm dứt.”

 

Minh Vũ – thoibao.de