“Mở rọ mõm” chống lệnh phạt, số phận Vua Đàm gặp “lành ít dữ nhiều”!

Sau khi bị Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch thành phố Hồ Chí Minh cấm biểu diễn trong 9 tháng, và phạt 27,5 triệu đồng, thì ngay sau đó, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng chia sẻ poster loạt show diễn mà mình góp mặt, như: ngày 13/7 tại Harrah’s Resort (San Diego); 14/7 tại Choc Town (Dallas); 18/7 tại Seattle; 20/7 tại Las Vegas… Hành động này của ca sĩ, được xem là sự thách thức đối với lệnh cấm của chính quyền thành phố Hồ Chí Minh.

Ngay sau những chia sẻ gây tranh cãi này, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đã đăng đàn trên truyền thông, viện dẫn “pháp lý” như sau:

“Sở Văn hóa Thể thao thành phố Hồ Chí Minh vừa có những phản hồi liên quan đến vụ việc này. Theo Sở Văn hóa Thể thao, căn cứ Điểm a, Khoản 1, Điều 2, Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định về đối tượng áp dụng là “Tổ chức, cá nhân Việt Nam có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, ở Việt Nam và ở nước ngoài”.

Như vậy là, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã vi phạm lệnh cấm của chính quyền. Không biết vô tình hay cố ý, ca sĩ này lại đăng thông tin các chương trình biểu diễn lên, để rồi chính bản thân lại dính sâu vào vấn đề pháp lý. Từ trước đến nay, những hành động xem thường chính quyền của giới văn nghệ sỹ, thì chính quyền đều không tha. Bởi nếu để cho ca sĩ này vượt lằn ranh, thì ca sĩ khác cũng sẽ vượt, nếu có đủ điều kiện.

Việc chính quyền thành phố Hồ Chí Minh cấm ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng biểu diễn 9 tháng, và phạt 27,5 triệu đồng, chỉ vì ca sĩ đeo một tấm huy chương của chế độ cũ, bị xem là cách suy diễn tùy tiện. Tuy nhiên, ở đất nước này, khi chính quyền muốn làm điều gì đó trước dân, thì hành động này được xem là “luật”.

Đã từ lâu, người dân đã quá quen thuộc với cách quản lý theo khuôn mẫu “luật là tao, tao là luật” của ngành Công an Việt Nam.

Ở nước ngoài, nếu chính quyền ra quyết định sai, dân có thể kiện, bởi giữa tư pháp với hành pháp là sự độc lập lẫn nhau. Hành pháp sai thì tư pháp sửa, dựa trên luật pháp và ngược lại. Còn ở Việt Nam, cả hành pháp và tư pháp đều thờ một chủ duy nhất, đấy là Đảng Cộng sản Việt Nam. Cho nên, dù bị phạt oan, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng vẫn không thể cậy nhờ vào hệ thống tư pháp, để bảo vệ quyền lợi cho mình. Trong thể chế độc tài, dân không thể đấu với chính quyền, dù dân có đúng và chính quyền có sai đi chăng nữa.

Nghị định là một loại văn bản dưới luật. Theo lý thuyết thì nó sẽ bị vô hiệu hóa, nếu không phù hợp với luật pháp. Tuy nhiên, ở đất nước này, thì văn bản dưới luật lại là ông vua, là nơi mà chính quyền có thể tùy tiện ban ra, để quản lý xã hội theo ý muốn của họ. Mặc dù rất nhiều văn bản trái luật ban hành, nhưng các cấp chính quyền vẫn cứ tạo ra không biết bao nhiêu văn bản dưới luật, để gây khó khăn không đáng có cho người dân.

Dù ca sĩ họ Đàm có oan đi chăng nữa, thì anh vẫn không có lựa chọn nào khác ngoài vâng lệnh. Cho nên, lần này, khi ca sĩ đăng các hình ảnh về những show diễn tại Mỹ, lại là hành động, vừa tự thú với chính quyền, vừa thách thức quyền lực của họ. Xem ra, ca sĩ này đang tự chuốc lấy rắc rối.

Tuy người Việt ở nước ngoài lên đến 5 triệu dân, tập trung ở Mỹ gần một nửa. Nhưng những năm qua, thị trường âm nhạc Việt tại hải ngoại đã thu hẹp dần, vì thế hệ người Việt sinh ra ở nước ngoài, thường không chọn nghe dòng nhạc Việt. Đó là xu thế khiến nhiều ca sĩ hải ngoại trở về Việt Nam biểu diễn. Đất dụng võ cho ca sĩ Việt vẫn là Việt Nam, chứ không phải ở hải ngoại. Nên việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng chọn diễn ở hải ngoại, khiến anh tự bít đường trong nước, là một lựa chọn thiếu cân nhắc. Ở Mỹ, chỉ thích hợp cho ca sĩ sống và trải nghiệm xã hội văn minh, còn nơi kiếm tiền của ca sĩ, thì Việt Nam vẫn là số 1 chứ không phải Mỹ.

Lần này, Đàm Vĩnh Hưng tỏ ra “cứng đầu” trước chính quyền Cộng sản, xem ra sự nghiệp ca hát của anh “lành ít dữ nhiều”.

 

Trần Chương – Thoibao.de