Vì sao ông Nguyễn Phú Trọng viết rất nhiều sách?

Ngày 19/7, RFA Tiếng Việt bình luận “Sách của cố Tổng Bí thư – công cuộc xây dựng “Tư tưởng Nguyễn Phú Trọng” còn dang dở?”
RFA nêu vấn đề: Tổng Trọng đã cho xuất bản nhiều tựa sách và được cấp dưới rầm rộ phát hành. Hiện tượng đó được nhận định thế nào?
Ông Trọng có tất cả 5 cuốn sách đã được phát hành trong năm 2024, 5 cuốn phát hành trong năm 2023, và còn nhiều quyển sách khác được phát hành trong suốt 13 năm ông giữ chức vụ cao nhất trong Đảng.
RFA dẫn lời nhà văn Nguyễn Viện, ở Sài Gòn, nói rằng:
“Tôi nghĩ nó cũng là tham vọng bình thường của người vốn đang nắm quyền lực. Việc ra sách của ông ấy chỉ nằm trong cái cái ước muốn là ông ấy để lại một cái điều gì đó, một cái dấu ấn của mình cho đời sau.”
RFA dẫn quan điểm của ông Nguyễn Anh Tuấn, thạc sỹ ngành Chính sách công, cho rằng, có 2 nguyên do chính của việc ông Trọng xuất bản nhiều sách:
Thứ nhất đến từ chủ đích từ chính cá nhân ông Trọng, vì ông tự nhận là nhà lý luận;
Thứ hai, do cán bộ cấp dưới muốn lấy lòng ông.

Theo quan sát của ông Nguyễn Anh Tuấn, đây là lần đầu tiên trong khoảng vài thập kỷ vừa qua, có hiện tượng người đứng đầu Đảng xuất bản một số sách nhiều như vậy, và lại tổ chức những cuộc thi học tập rất rình rang. Trước đây, chỉ có những đợt học tập, nghiên cứu Tư tưởng Hồ Chí Minh hoặc một số tiền bối cách mạng khác, như Trường Chinh, mà thôi.
Ông Tuấn cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam thời ông Trọng học tập theo Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ở Trung Quốc, Tập Cận Bình giới thiệu cái gọi là “Tư tưởng Tập Cận Bình” và có tham vọng xây dựng một hệ tư tưởng riêng cho sự phát triển Chủ nghĩa Xã hội ở Trung Quốc. Tư tưởng Tập Cận Bình hiện đã được đưa vào trong Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đó cũng là điều chưa có tiền lệ, ngay cả bên Trung Quốc.
“Thế thì, ở Việt Nam, có thể là họ chưa đưa ra một cái gọi là “Tư tưởng Nguyễn Phú Trọng”, nhưng mà có thể, họ nghĩ rằng, những bước đi giống bên Trung Quốc góp gần củng cố nền tảng tư tưởng trong toàn Đảng, và họ nghĩ rằng, đó là bước đi có lợi cho sự cầm quyền của Đảng Cộng sản, nên họ áp dụng nó về Việt Nam.”
Theo ông Tuấn, các cuốn sách của ông Trọng và ông Tập đa phần có cấu trúc giống nhau. Nó chủ yếu là tập hợp các bài viết, bài phát biểu của ông ấy trong suốt những năm nắm quyền. Nó không có cấu trúc chỉn chu bài bản, logic của một cuốn sách chính luận thường thấy.
Theo ông Tuấn, có 4 giả thiết chính, có thể lý giải cho chuyện Đảng Cộng sản Việt Nam, mặc dù có những bước đi cụ thể, để cố gắng lan tỏa ý thức hệ ở trong xã hội, thông qua những cái gọi là “tác phẩm của đồng chí Nguyễn Phú Trọng”, nhưng chưa thể xây dựng được một cái gọi là “Tư tưởng Nguyễn Phú Trọng”, tương tự như “Tư tưởng Tập Cận Bình” ở bên Trung Quốc.

Bốn giả thiết ông Tuấn đưa ra là:
Thứ nhất, do điều kiện sức khỏe không tốt của ông Trọng.
Thứ hai, chính ông Trọng chần chừ không muốn đi theo con đường sùng bái cá nhân.
Thứ ba, ngay cả khi ông Trọng muốn học theo Trung Quốc, để xây dựng “Tư tưởng Nguyễn Phú Trọng”, thì cũng khó thực hiện, vì Đảng Cộng sản Việt Nam không có truyền thống lãnh đạo “tập trung quyền lực cá nhân” sâu sắc như Trung Quốc.
Thứ tư, môi trường ngôn luận ở Trung Quốc bị kiểm soát chặt hơn, nên khi đưa ra “Tư tưởng Tập Cận Bình”, thì sẽ không ai dám phản kháng. Trong khi Đảng Cộng sản Việt Nam chưa kiểm soát được truyền thông đến mức như vậy.
RFA dẫn quan sát của ông Nguyễn Viết Dũng, một nhà hoạt động chính trị, nhận thấy rằng, tuy ông Trọng đã ra nhiều sách, nhưng cho đến nay, cụm từ “Tư tưởng Nguyễn Phú Trọng” ít thấy ai nhắc đến.
“Tôi cũng không thấy có người dân nào mà lại bỏ tiền mua những ấn phẩm như vậy” – ông Dũng nói.

Ý Nhi – thoibao.de