Trị dân tội “khi quân phạm thượng”, dân khinh “vua” Tổng hay hôn quân họ Tô khinh dân?

Ngày 22/7, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Hồ Chí Minh cùng Công an Thủ Đức, Công an quận 10, quận 12, đã triệu tập, mời làm việc 3 người, bị cho là có hành vi sử dụng mạng xã hội Facebook, đăng tải thông tin thất thiệt, bịa đặt, xuyên tạc, phủ nhận những thành tựu, đóng góp to lớn của Tổng Trọng.

Chính quyền thông báo rằng, cả 3 người này đều thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, báo chí không cho biết, 3 người này vi phạm điều luật nào.

Có người nhận xét, đây là một dạng biến thể của tội “khi quân phạm thượng”, được các triều đại phong kiến khắp nơi trên thế giới áp dụng, suốt hàng ngàn năm. Trên thế giới ngày nay, chỉ còn Thái Lan là vẫn đang còn áp tội “khi quân phạm thượng” đối với công dân dám cả gan “nói xấu” nhà vua.

Tuy nhiên, Thái Lan đã luật hóa tội “khi quân phạm thượng”, nên cơ quan tố tụng được quyền truy tố công dân phạm tội này. Còn ở Việt Nam, không hề có quy định nào về tội này, nhưng Bộ Công an vẫn tùy tiện áp dụng. Bản chất vô pháp của chính quyền Cộng sản thể hiện rất rõ trong trường hợp này.

Đảng Cộng sản hô hào đánh đổ phong kiến, nhưng họ lại xem những lãnh tụ của họ không khác gì những ông vua phong kiến. Cũng chỉ có chế độ phong kiến mới quy kết công dân tội “nói xấu nhà vua”, chứ một nhà nước văn minh, không bao giờ kết tội như vậy. Nếu lời phát biểu của một ai đó sai sự thật, thì người bị thiệt hại có thể kiện ra toà dân sự, còn nhà nước thì không can thiệp vào. Trong trường hợp ông Trọng bị bêu xấu sai sự thật, thì gia đình, vợ con ông có thể kiện đối phương ra toà dân sự về tội vu khống, và có thể đòi bồi thường thiệt hại, nếu họ chứng minh được khoản thiệt hại đó.

Hiện nay, ở phương Tây không thiếu những nhà nước quân chủ, nghĩa là vẫn có vua và hoàng gia, nhưng xã hội của họ rất dân chủ. Đó là các quốc gia quân chủ lập hiến, nghĩa là, quốc gia vận hành theo hiến pháp và pháp luật. Tất nhiên, trong đó không có tội “khi quân phạm thượng”. Ngược lại, Việt Nam mang tiếng là một nhà nước Cộng hòa, nhưng giữ lại thứ văn hoá lạc hậu của nhà nước phong kiến. Việc tùy tiện áp tội “khi quân phạm thượng” đối với người dân, một lần nữa chứng minh rằng, nhà nước này là một nhà nước phong kiến trá hình.

Nhà nước văn minh là nhà nước phải biết tôn trọng sự thật, dù cho có là người ở ngôi cao, nhưng làm điều sai trái, thì dân có quyền phê phán, mà chẳng sợ bị kết tội “nói xấu lãnh đạo”.

Dân gian có câu “hữu xạ tự nhiên hương”, nếu ông Tổng Bí thư “hữu xạ”, thì tiếng thơm của ông tự lan tỏa, mà không cần phải dùng bộ máy Công an cưỡng bức dân, để bốc thơm cho ông Tổng. Tổng Trọng từng nói “mình có như thế nào thì người ta mới như thế”. Quả thật, bản thân ông Trọng khi còn sống cũng bốc mùi khăm khẳm, thì Đảng mới phải cố che đậy mùi của ông, và bốc thơm cho ông, chứ nếu ông “hữu xạ”, thì cần gì dùng đến công an để ép dân, rằng “chúng mày không được nói xấu lãnh đạo”?

Việc tùy tiện áp dụng luật “khi quân phạm thượng”, không những thể hiện tính lươn lẹo của chính quyền, mà còn thể hiện bản chất kinh dân của chế độ này. Họ thể hiện sự lươn lẹo bằng cách diễn dịch tội “khi quân phạm thượng” bằng một tội khác, vì tội “khi quân phạm thượng” không có trong luật. Và họ khinh dân, vì cho rằng, dân không biết gì, nên mới áp tội lên đầu dân một cách tùy tiện như thế.

Chưa chính thức làm Tổng Bí thư, mà Tô Lâm đã áp tội bừa bãi với dân. Tô Lâm sẽ là một “hôn quân” trong cái triều đình phong kiến trá hình này.

 

Thái Hà – Thoibao.de