Bộ Công an muốn quản thúc cả công việc của các bộ, ngành khác

Ngày 27/7, báo Tiếng Dân có bài “Điều không bình thường”, của nhà văn Phạm Đình Trọng.

Theo tác giả, Tổng Trọng vừa ra đi, thì việc nhắc nhở người dân gửi lời chia buồn đến gia đình ông, với tổ chức Đảng là việc của Ban Tuyên giáo, với bộ máy nhà nước, là việc của 2 bộ:

  • Bộ Văn hoá – Bộ Lễ, bộ lo việc lễ tiết, hiếu hỉ quốc gia.
  • Bộ Thông tin Truyền thông – Bộ quản lý hoạt động của các nhà mạng và tạo chính sách, luật lệ, cho các nhà mạng khai thác cơ sở vật chất kỹ thuật, các mạng thông tin điện tử quốc gia.

Cụ thể, tác giả cho biết, khai thác mạng thông tin điện tử vừa là chức năng kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, vừa là nhiệm vụ chính trị của cơ quan quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, việc tạo ra Sổ tang điện tử và nhắc nhở người dân gửi lời chia buồn đến gia đình Tổng Trọng qua Sổ tang điện tử này, hiển nhiên là nghiệp vụ kỹ thuật của các nhà mạng, và là nhiệm vụ chính trị của Bộ Thông tin Truyền thông.

Tác giả giải thích, việc tang lễ hiếu hỉ là việc bình thường của cuộc đời, diễn ra hàng ngày trong xã hội. Lời chia buồn với tang gia cũng là chuyện dân sự thường ngày, trong đời sống tình cảm con người, không liên quan đến chức năng, nghiệp vụ công an, không phải công việc của Bộ Công an.

Vì vậy, với tin nhắn thông báo rằng, người dân cả nước có thể gửi lời chia buồn đến gia đình của Tổng Trọng, nhận được từ Bộ Công an, người dân có muốn gửi tin nhắn vào Sổ tang điện tử cũng đành chịu. Còn với cơ quan nhà nước quản lý mạng thông tin điện tử, muốn người dân gửi tin nhắn chia buồn với gia đình Tổng Trọng vào Sổ tang điện tử, thì họ biết phải làm gì để đông đảo người dân dễ dàng thực hiện.

Tác giả cho rằng, chức năng nghiệp vụ và trách nhiệm chính trị của công an, là tập trung sức mạnh công cụ của Nhà nước, để trấn áp tội phạm, bảo đảm cuộc sống bình yên cho người dân, và bảo đảm an ninh cho xã hội.

Nhưng từ nhiều năm qua, với quân số đông đúc, Bộ Công an đã phủ bóng rộng lớn lên các sinh hoạt đời sống xã hội, đã bao sân, làm thay việc của nhiều bộ, nhiều ngành khác. Đó là điều rất không bình thường trong cuộc sống bình yên, trên đất nước thanh bình.

Việc công an dư thừa sức người và sức mạnh bạo lực, lấn sang chức năng, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước khác, thể hiện rõ ràng nhất là trong vụ 3.000 cảnh sát cơ động tấn công vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.

Tác giả cũng cho biết, việc người dân khiếu nại tình trạng sở hữu mảnh đất sinh sống với chính quyền, là việc dân sự thường tình diễn ra hàng ngày, ở khắp mọi miền đất nước. Tranh chấp đất đai giữa người dân và chính quyền, không giải quyết được bằng quyền lực hành chính, thì đã có toà án. Toà án là phán quyết tối cao của luật pháp.

59 hecta đất Đồng Sênh, tranh chấp giữa người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm, với chính quyền Hà Nội, còn đang được các cấp chính quyền xem xét, chưa được trình ra tòa án, thì Bộ Công an đã ỷ vào sức mạnh bạo lực nhà nước, tự xử lý khiếu nại.

Công an trong trường hợp này đã thay quyền lực hành chính của chính quyền, thay luật pháp nhà nước của toà án, dập tắt tức tưởi tiếng kêu cầu công lý của người dân thôn Hoành, đã kết liễu thê thảm sự khiếu nại dân sự hợp pháp của người dân ở đây, bằng sức mạnh bạo lực nhà nước, bằng máu dân.

Tác giả nhận định, bóng dáng công an, bóng dáng công cụ bạo lực nhà nước, có mặt rộng rãi trong cuộc sống yên hàn, trong cả đời sống tình cảm con người, làm cho không khí xã hội nặng nề, đi ngược với xu thế xã hội loài người vốn đang mạnh mẽ dân sự hoá chính quyền nhà nước, và dân chủ hoá đời sống xã hội.

 

Thu Phương – thoibao.de