Người kế nhiệm Tổng Trọng sẽ tiếp tục công cuộc đốt lò như thế nào?

Ngày 29/7, RFA Tiếng Việt bình luận “Công cuộc chống tham nhũng sẽ ra sao sau khi mất người “đốt lò” Nguyễn Phú Trọng?”.

Theo đó, ông Trọng qua đời khi vẫn nắm giữ chức Tổng Bí thư và Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong Đảng, với chiến dịch “đốt lò” do ông khởi xướng.

RFA dẫn nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Quang A, cho rằng, “trong ngắn hạn thì việc đốt lò vẫn tiếp tục”, nhưng “sẽ bớt đi sau khoảng một cho đến một năm rưỡi nữa, bởi các địch thủ lúc bấy giờ gần như bị hạ hết rồi”.

“Việc chống tham nhũng qua tên gọi “đốt lò”, là một quyết tâm rất chân thành của ông Trọng… vì ông ấy thấy, bộ máy ấy nhiều sâu quá, nó ăn rỗng hệ thống đi. Đấy là cái nguy cơ thực sự của bản thân hệ thống. Chỉ có điều đáng tiếc là, ông ấy không hiểu, cái bản thân bộ máy ấy nó sinh ra sâu, nên ông ấy không thể diệt được sâu mà không đụng đến bộ máy, tức không đụng đến cái bình.”

“Muốn giảm tham nhũng thì phải sửa đổi bản thân cái hệ thống”. Nhưng ông Trọng không dám làm điều này.

RFA dẫn lời Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam, thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore, cho rằng, cuộc chiến chống tham nhũng do ông Trọng lãnh đạo, đã để lại dấu ấn sâu đậm, trong đời sống chính trị và xã hội Việt Nam.

Ông Hợp nói:

“Chiến dịch chống tham nhũng không chỉ mang lại những kết quả cụ thể, trong việc xử lý các vụ án, mà còn góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội, về tác hại của tham nhũng. Tuy nhiên, di sản này cũng đặt ra những thách thức không nhỏ, cho giai đoạn tiếp theo.”

“Câu hỏi lớn đặt ra là, liệu cuộc chiến chống tham nhũng có thể duy trì được động lực và tạo hiệu quả cao hơn hay không. Điều này đòi hỏi sự cam kết mạnh mẽ từ Tổng Bí thư kế nhiệm, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, và Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, ở cả cấp Trung ương lẫn địa phương. Mặc dù chiến dịch đã góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, nhưng cũng xuất hiện những lo ngại, về việc nó có thể tiếp tục làm chậm quá trình ra quyết định, và thực thi chính sách.”

Cuối cùng, là thách thức đối với việc tạo dựng văn hóa minh bạch, và trách nhiệm giải trình trong bộ máy nhà nước và xã hội nói chung, tạo nên những thay đổi tích cực trong cách thức quản lý và điều hành đất nước.”

Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận xét, chiến dịch “đốt lò” của ông Trọng, đã phơi bày cho người dân thấy, tham nhũng ngày càng nhiều, và số tiền tham nhũng ngày càng lớn.

Ngoài ra, theo ông Quang A chiến dịch này còn làm cho bản thân bộ máy không dám hoạt động, vì sợ thành củi, triệt tiêu sự sáng tạo, sự thử nghiệm những cái mới ở cơ sở, ở địa phương, dẫn đến xã hội trì trệ, vì không ai dám có sáng kiến, dám làm nữa.

RFA trích lời một nhà quan sát tình hình chính trị, cho rằng, để chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng thành công sau khi ông qua đời, cần một số yếu tố:

“Quan trọng nhất là người kế nhiệm phải chuyển chế độ này từ độc đảng toàn trị, sang độc tài toàn trị. Khi đó, họ mới tạo ra được một ê kíp làm việc, và vị thống lĩnh mới phải nắm toàn bộ quyền bính trong tay, để thực hiện việc đức trị. Yếu tố nữa là phải xóa được cái văn hóa một người làm quan cả họ được nhờ. Yếu tố tiếp theo là chính sách nội trị, phải cụ thể qua các chỉ số về y tế, an sinh xã hội, việc làm…”

“Điều quan trọng nữa cho việc hậu đốt lò, là phải xóa bỏ hoàn toàn độc quyền trong lĩnh vực điện lực, hàng không, và vàng bạc đá quý. Và sau cùng, vị thống lĩnh mới thay thế ông Trọng, phải chấm dứt được chuyện quân đội và công an làm kinh tế.”

 

Quang Minh – thoibao.de