Một ụ khô và cầu tàu ở căn cứ Ream của Campuchia, có thể được xây dựng cho tàu ngầm Trung Quốc

Ngày 26/7, RFA Tiếng Việt loan tin “Căn cứ hải quân Ream của Campuchia có thể được sử dụng cho tàu ngầm Trung Quốc”.

RFA dẫn lời chuyên gia Thomas Shugart, thuộc Trung tâm An ninh Mỹ, nói rằng, một ụ khô mới và cầu tàu, có thể được dùng để bảo hành các tàu ngầm Trung Quốc, vừa được xây dựng ở căn cứ hải quân Ream của Campuchia.

Các dữ liệu vệ tinh mà RFA có được từ Planet Labs, hồi tháng 6, cho thấy, một ụ khô có kích thước khoảng 140 mét độ dài và đường vào cạnh đó. Một cầu tàu dài 270 mét, đi dọc mép phía nam của căn cứ này.

Đến tháng 5 vừa qua, ụ khô vẫn đang được xây dựng.

“140 mét là quá ngắn cho các tàu lớn của hải quân Trung Quốc” – ông Shugart cho biết, “nhưng đúng kích thước cho tàu ngầm”.

RFA dẫn một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ, cho biết, Trung Quốc hiện có khoảng 60 tàu ngầm, và phần lớn các tàu này có độ dài ngắn hơn 100 mét.

Theo chuyên gia Shugart, ụ khô mới chỉ vừa đủ lớn cho tàu hộ tống Type 056 như loại đã từng có mặt ở căn cứ Ream hồi tháng 12/2023.

Ông cho rằng, đây là một khoản đầu tư lớn, nếu chỉ để sử dụng cho tàu hộ tống, và lưu ý là, công trình mới ở Ream rất giống như công trình ở căn cứ tàu ngầm của Trung Quốc ở Thanh Đảo: khoảng 140 mét độ dài và đường vào cho các tàu nhỏ.

Chuyên gia này nhận định, việc căn cứ hải quân Ream có thể được dùng cho tàu ngầm Trung Quốc là hợp lý, vì khoảng cách chỉ bằng một nửa khoảng cách từ Ream đến eo Malacca, nếu so với khoảng cách đến căn cứ ở đảo Hải Nam.

RFA cũng cho biết, eo Malacca là một điểm chiến lược quan trọng, và khoảng cách đến đó rất quan trọng đối với các tàu ngầm không hạt nhân chậm.

Trong trường hợp có đụng độ ở Biển Đông, sự hiện diện của các tàu ngầm trong Vịnh Thái Lan có thể cho hải quân Trung Quốc “một hướng tiếp cận khác” – ông Shugart nói.

Theo RFA, căn cứ Ream nằm rất gần Việt Nam, chỉ cách đảo Phú Quốc khoảng 30 km

Việt Nam cũng có căn cứ tàu ngầm ở Cam Khanh tại tỉnh Khánh Hoà, nơi có 6 tàu ngầm kilo của Nga.

RFA dẫn lời chuyên gia Nguyễn Thế Phương, thuộc Đại học New South Wales ở Australia, nhận định rằng, “Việt Nam nên theo dõi sát tình hình, đặc biệt nếu Campuchia xây dựng một đường băng gần đó”. Chuyên gia tin rằng, Campuchia sẽ cho xây dựng đường băng này.

Bình luận về căn cứ hải quân Ream, BBC Tiếng Việt ngày 4/7 cho biết, cả giới chức lẫn chuyên gia từ Mỹ, và các quốc gia lân cận với Campuchia, bao gồm Việt Nam, vẫn luôn thắc mắc về vai trò của Trung Quốc tại đây. Theo đó, câu hỏi đặt ra là: Trung Quốc có quyền tiếp cận độc quyền với căn cứ quân sự Ream, hay có thể lập một tiền đồn nước ngoài thứ hai, sau Djibouti ở châu Phi, với hiện diện quân sự lâu dài?

Tuy nhiên, BBC cho biết, cho đến nay, những thỏa thuận nếu có giữa Trung Quốc và Campuchia, vẫn nằm trong vòng bí mật.

Nếu so với Mỹ, Trung Quốc hiện đang thiếu một mạng lưới căn cứ và cơ sở hạ tầng hậu cần rộng khắp cần có, để trở thành một lực lượng “hải quân nước xanh” hoạt động khắp thế giới.

Theo BBC, căn cứ Ream được xem là một phần trong chiến lược “Chuỗi đảo Ngọc trai” của Trung Quốc, nhằm xây dựng lực lượng “hải quân nước xanh”.

Công khai trên truyền thông, Trung Quốc chỉ tuyên bố giúp Campuchia cải tạo căn cứ Ream. Đồng thời, các lãnh đạo Campuchia trong những năm qua, luôn bác bỏ việc cho phép nước ngoài lập căn cứ trên lãnh thổ của mình, nói rằng, điều đó đi ngược với Điều 53 của Hiến pháp.

Điều 53 Hiến pháp Campuchia cấm cho phép nước ngoài lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ Campuchia.

 

Ý Nhi – thoibao.de