Trận chung kết “trong mơ”: Tô Tổng tịch – Thủ Chính sắp diễn ra?

Vào lúc này, chính trường Việt Nam chỉ còn lại 2 người đủ tiêu chuẩn để trở thành ứng viên cho chức Tổng Bí thư. Đó là Tô Lâm và Phạm Minh Chính.

Đây là cặp đấu có nhiều duyên nợ. Cả 2 đều từng là Tướng Công an dưới thời ông Lê Hồng Anh làm Bộ trưởng, nên chẳng lạ gì nhau. Tô Lâm bản tính hung hăng, muốn dùng sức mạnh giải quyết tất cả. Còn Phạm Minh Chính thì thâm trầm hơn, âm thầm cấu kết những thế lực khác, và đợi cơ hội ra tay đánh úp. Tô Lâm không thể coi thường Phạm Minh Chính, và ngược lại, Phạm Minh Chính cũng không thể coi thường Tô Lâm.

Trong 3 tháng qua, Tô Lâm đã đánh gục nhiều ứng viên của ghế Tổng Bí thư. Và giờ đây, người chủ của chiếc ghế này cũng đã nhắm mắt. Tô Lâm hiện là tạm quyền Tổng Bí thư, đây được xem là thắng lợi to lớn của Tô Lâm, nhưng chưa trọn vẹn. Chỉ khi nào Tô Lâm chính thức được bầu làm Tổng Bí thư, lúc đấy mới xem là thắng lợi hoàn toàn.

Một số nguồn tin đáng tin cậy cho thoibao.de biết, Bộ Chính trị hiện nay không muốn thừa nhận Tô Lâm là Tổng Bí thư chính thức.

Đã 2 lần, Tô Lâm ép Bộ Chính trị phải gật đầu theo ý ông. Lần thứ nhất là khi Tô Lâm cho chọn Lương Tam Quang làm Bộ trưởng. Lần thứ nhì là khi ông Tổng Bí thư vừa mới mất, Tô Lâm đã ép Bộ Chính trị phải công bố ông là tạm quyền Tổng Bí thư. Dù người tạm quyền Tổng Bí thư sẽ nắm hết mọi quyền hạn do ông Trọng để lại, nhưng đây là vị trí kém bền và không chính danh. Chỉ khi nào được bầu làm Tổng Bí thư, thì khi đó, vị trí Tô Lâm mới vững chắc.

Nguyễn Phú Trọng chết đi, Phạm Minh Chính được xem là người “đa mưu túc trí” nhất Bộ Chính trị hiện nay. Ông Chính được đánh giá là tay chơi cờ người rất giỏi. Bằng chứng là, dù cho Tô Lâm có đưa Tướng Đinh Văn Nơi về Quảng Ninh, nhưng vẫn không dễ nắm thóp được nhóm “đàn em” của ông Chính, đang là lãnh đạo tỉnh này. Chỉ với một lá bài Nguyễn Thị Thanh Nhàn, mà Phạm Minh Chính đã khiến cho Tô Lâm trong nhiều năm qua, vẫn chưa thể hóa giải bế tắc.

Tô Lâm là người đao to búa lớn, tất cả quy về một công thức là “dùng bạo lực cách mạng”. Cách làm của Tô Lâm ít có yếu tố bất ngờ. Ngược lại, Phạm Minh Chính im lìm, nhưng ông thường chuẩn bị rất kỹ biện pháp đối phó hoặc phản công. Tô Lâm và Phạm Minh Chính, mỗi người có một thế mạnh riêng, tuy nhiên, cặp đấu này được đánh giá là “ngang tài ngang sức”.

Sau khi Tô Lâm hạ được Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ, thì Phạm Minh Chính có vẻ như an phận với vai trò “người về nhì”. Tuy nhiên, dù ở thế yếu, dù tỏ vẻ an phận, nhưng nếu ông âm thầm thủ được vũ khí bí mật, đủ để hạ đối thủ, thì liệu ông Chính có an phận làm người đứng sau hay không?

Chấp nhận cho một đối thủ ngang tài ngang sức tồn tại ngay bên cạnh, điều đó có nghĩa là, Tô Lâm tự nuôi cọp trong nhà.

Những dấu hiệu gần đây cho thấy, Tô Lâm không an tâm khi mà Phạm Minh Chính vẫn còn đó. “Tứ trụ” từ đầu nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã rụng đến 3 người, chỉ còn lại duy nhất Thủ tướng. Thậm chí, ghế Chủ tịch nước còn rụng đến 2 lần. Tất nhiên, việc ông Chính có thể trụ lại, cho thấy, ông khá mạnh mẽ. Không phải ngẫu nhiên mà ông Chính vẫn tồn tại qua bao sóng gió chính trường. Nguyên nhân là do ông nhanh nhạy, bắt tay kết liên minh với Tô Lâm, để tránh giông bão.

Tuy nhiên, việc bắt tay liên minh với Tô Lâm, chỉ là giải pháp tình thế, tìm kiếm sự an toàn, và để tránh trở thành nạn nhân của Tô Lâm như Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ.

Với người khôn ngoan, biết tiến, biết thoái, như Phạm Minh Chính, nếu Tô Lâm không hạ, thì trước sau gì ông cũng bị hạ. Cho nên, Tô Lâm không thể “tha” cho Phạm Minh Chính, nếu Tô Lâm đủ “sáng suốt”.

 

Trần Chương – Thoibao