Thông qua “Ngoại giao đám tang”, Hoa Kỳ vẫn chứng tỏ là đối tác tin cậy

Ngày 29/7, blog Trần Đông A trên VOA Tiếng Việt có bài: “”Ngoại giao tang chế” kiểu Hoa Kỳ”.

Tác giả cho biết, có 3 sự kiện không lường trước liền kề nhau, khiến bang giao Mỹ – Việt có phần xáo động.

Thứ nhất, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bất ngờ hội đàm với Tổng thống Joe Biden, vào ngày 25/7 tại thủ đô Washington, buộc Ngoại trưởng Antony Blinken phải đi dự, dẫn đến chuyên cơ chở ông khởi hành sang châu Á chậm lại.

Thứ hai, kế hoạch dự lễ tang chính thức cố Tổng Bí thư, vào ngày 26/7 tại Hà Nội của Ngoại trưởng Mỹ, vì thế bị hủy bỏ.

Thứ ba, hạn chót để Mỹ công bố quyết định có huỷ dán nhãn “kinh tế phi thị trường” cho Việt Nam hay không, lại trùng với ngày Quốc tang tại Hà Nội – 26/7. Trong lúc “bối rối” như thế, cả ở Hoa Kỳ lẫn Việt Nam, Bộ Thương mại Mỹ đã quyết định hoãn việc công bố. Lý do trì hoãn được đưa ra là vấn đề trục trặc về công nghệ thông tin.

Tác giả cũng cho biết, sáng 25 và 26/7 tại Hà Nội, ông Tô Lâm xuất hiện ở lễ tang cố Tổng Bí thư, với 3 cương vị hàng đầu: Trưởng ban Lễ tang, Trưởng đoàn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, và Trưởng đoàn Chủ tịch nước. Tô Đại tướng trở thành nhà lãnh đạo nổi bật chỉ trong vòng 2 tháng, từ 20/5 đến nay, đã thâu tóm hầu hết quyền lực cả về mặt Đảng lẫn nhà nước.

Theo dự đoán của dư luận, cương vị Tổng Bí thư, hoặc quyền Tổng Bí thư, sẽ phải được chuẩn thuận, thông qua một cuộc bỏ phiếu kín, tại cuộc họp bất thường tới đây của Ban Chấp hành Trung ương.

Tác giả cho hay, tối 27/7, tại tư gia Tổng Trọng trên con phố nhỏ Thiền Quang, Hà Nội, Ngoại trưởng Antony Blinken cùng phái đoàn Hoa Kỳ, đã đến thắp hương, viếng Tổng Trọng, và chia buồn với bà quả phụ Ngô Thị Mận cùng tang quyến của cố Tổng Bí thư.

Ngoại trưởng Blinken đã chuyển lời chia buồn của Tổng thống Joe Biden tới bà Ngô Thị Mận và gia đình, trước sự ra đi của ông Trọng. Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh, các nhà lãnh đạo và quan chức chính quyền Hoa Kỳ, cũng như cá nhân Tổng thống Biden, luôn coi Tổng Trọng là một người bạn, là một đối tác tin cậy.

Tác giả dẫn tin từ một hãng tin quốc tế cho biết, chuyến thăm ngắn ngủi của Ngoại trưởng Blinken, diễn ra vào thời điểm khá nhạy cảm đối với quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam, vốn đã được nâng cấp do có những quan ngại chung, về ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực, và sự quan tâm từ các nhà đầu tư Hoa Kỳ đối với Việt Nam.

Theo tác giả, các cuộc hội kiến lần lượt giữa Chủ tịch nước Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính với Ngoại trưởng Blinken, cũng đã diễn ra tối muộn 27/7 tại Phủ Chủ tịch và trụ sở của Chính phủ.

Tác giả nêu vấn đề: Việc Tô Đại tướng có thể trở thành tân Tổng Bí thư, trong bối cảnh Mỹ vẫn chưa có kết luận về tình trạng nền kinh tế phi thị trường của Việt Nam, sẽ ảnh hưởng thế nào đối với bang giao Việt – Mỹ? Trong trường hợp, kết luận của Bộ Thương mại Mỹ là không cấp quy chế kinh tế thị trường, thì liệu Việt Nam sẽ tiếp tục những đối phó tiêu cực đối với Mỹ và phương Tây như năm qua, hay kiên nhẫn chờ đợi?

Nếu quyết định này tiếp tục bị kéo dài sau 2/8, thậm chí bị treo cho đến khi nước Mỹ có chính quyền mới, thì dịp này, ông Blinken càng phải cố gắng, để tìm hiểu chi tiết nhất có thể, về cấu trúc quyền lực chính trị mới nói chung, và về thẩm quyền vừa xác lập nói riêng, của dàn lãnh đạo tập thể và cá nhân Chủ tịch nước Tô Lâm, sau sự ra đi của Tổng Trọng.

Tác giả dẫn lời ông David Hutt, nghiên cứu viên tại Viện nghiên cứu Trung Âu về các vấn đề châu Á, nhận định, hơn 13 năm qua, ông Trọng đã bắt được một số “con chuột cống”, nói theo cách ẩn dụ của người Việt. Nhưng “quốc nạn” tham nhũng vẫn tràn lan. Ông Trọng, trên thực tế, đã khiến cho “chiếc bình của Đảng” trở nên mỏng manh, dễ vỡ hơn bao giờ hết.

 

Ý Nhi – thoibao.de