Giới nghiên cứu quốc tế đánh giá như thế nào về Tổng Trọng?

Ngày 26/7, BBC Tiếng Việt có bài: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “sau Hồ Chí Minh, Trường Chinh, ngang Lê Duẩn””.

Theo đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã trải qua 13 kỳ đại hội, với 12 Tổng Bí thư và Chủ tịch Đảng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một trong những nhà lãnh đạo cao nhất, tại vị lâu nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tính sau năm 1986, ông Trọng là người giữ chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam nhiều nhiệm kỳ nhất, đồng thời phá lệ cả về giới hạn số nhiệm kỳ và giới hạn tuổi tác.

So với các đời Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, từ khi Đảng lên cầm quyền năm 1945 đến nay, ông Trọng là người giữ chức vụ Tổng Bí thư lâu thứ nhì, 13 năm, từ 2011 đến 2024, chỉ sau ông Lê Duẩn là 26 năm.

BBC cho biết, ông Trọng đã được bầu vào Bộ Chính trị, tại Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 8.

Như vậy, ông Trọng đã có 27 năm là Ủy viên Bộ Chính trị, cơ quan bao gồm những nhân vật quyền lực nhất, trong hệ thống Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ông Nguyễn Phú Trọng là người cao tuổi nhất giữ chức vụ đứng đầu Đảng, khi qua đời ông thọ 80 tuổi và từng kiêm cả hai chức vụ Tổng Bí thư và Chủ Tịch nước.

BBC dẫn lời Giáo sư Alexander L Vuving, tại Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ, đánh giá, nếu xét về 2 tiêu chí quan trọng nhất của một người làm quan, là liêm khiết và chí công vô tư, thì ông Trọng “có thể sánh ngang với Hồ Chí Minh và Nguyễn Văn Linh và hơn các Tổng Bí thư khác”.

“Ngoài ra, bản thân ông Trọng là nhà lý luận, nên về mặt này, ông chỉ kém Hồ Chí Minh và Trường Chinh, ngang hàng với Lê Duẩn và hơn các Tổng Bí thư còn lại”.

Tuy nhiên, Giáo sư Alexander Vuving đánh giá, về mặt thực hành, ông Trọng “không phải là một nhà tổ chức tốt”.

BBC trích lời Giáo sư Zachary Abuza, từ trường National War College, Mỹ, cho rằng, ông Trọng đã tạo được dấu ấn cá nhân, trong Bộ Chính trị mà những người tiền nhiệm của ông không làm được.

“Ông Trọng là một nhà tư tưởng cộng sản trọn đời, và chỉ có 5 năm ở vị trí không chuyên trách về Đảng, đó là chức Chủ tịch Quốc hội”.

“Trong Bộ Chính trị có cơ chế lãnh đạo tập thể, nhưng ông Trọng có nhiều quyền lực cá nhân hơn, xét về bề dày công tác và tuổi tác”.

BBC dẫn lời Giáo sư Vuving, cho rằng:

“Ông Trọng muốn “nhốt quyền lực trong lòng cơ chế” nhưng chính ông lại phá cơ chế trong nhiều vấn đề, đặc biệt là khi ở lại thêm một nhiệm kỳ thứ ba lúc đã tuổi cao sức yếu. Việc phá vỡ cơ chế này, đã tạo nên một cuộc khủng hoảng trong vấn đề chuyển giao quyền lực trong Đảng.”

Việc ông Trọng làm thêm nhiệm kỳ thứ ba từ Đại hội 13, là trái với Điều lệ Đảng đang có hiệu lực.

“Ông đặt ra các quy định, tiêu chuẩn trong Đảng để lái tình hình theo hướng ông muốn, nhưng cuối cùng chính ông lại bị các quy định, tiêu chuẩn đó trói chân, trói tay, cản trở mong muốn của ông. Ngoài ra, ông cũng không giỏi trong việc chọn người, chọn đúng người và bảo vệ đồng minh.”

Đánh giá về độ nhạy bén với thời cuộc, Giáo sư Alexander Vuving đưa ra so sánh về ông Trọng với những người tiền nhiệm:

“Một đức tính quan trọng của người làm chính trị là sự nhạy bén với thời cuộc, với tình thế. Điều này rất khó so sánh vì thiếu mẫu số chung. Ông Trọng cảm nhận được nỗi bức xúc của người dân, về nạn tham nhũng và kiên quyết giương cao ngọn cờ chống tham nhũng. Nhưng ông lại không dựa vào dân, mà dựa vào chính quyền để chống tham nhũng, vì ông muốn “diệt chuột” nhưng lại có mối lo lớn hơn là “làm vỡ bình”. Đây là nguyên nhân chính khiến công cuộc “đốt lò” của ông không bao giờ đạt được kỳ vọng”.

Xét về mặt đối ngoại, theo Giáo sư Vuving, ông Nguyễn Phú Trọng đã “tương đối nhạy bén”.

Về đối ngoại, theo Giáo sư Vuving nhận định, ông Trọng tương đối nhạy bén với tình thế sau vụ giàn khoan Hải Dương 981, năm 2014, và đã có quyết sách linh hoạt như trong quan hệ với Mỹ, gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, sau này là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.

 

Xuân Hưng – thoibao.de