Người Việt vô địch về việc xây mồ mả và cúng tổ tiên

Ngày 28/7, BBC Tiếng Việt đăng phóng sự “Xây mộ tiền tỷ, người Việt vô địch về cúng tổ tiên”.

Phóng sự kể về trải nghiệm của Luke Digweed đối với tập tục cúng giỗ ở Việt Nam, để lại cho anh nhiều ấn tượng thú vị. Digweed đến từ thị trấn Andover, Anh quốc, là sinh viên cao học, đồng thời là cây viết về xã hội, nhân chủng và du lịch.

Digweed đã sinh sống tại Việt Nam từ năm 2011 tới nay, và sống ở Huế trong khoảng thời gian 2016 – 2022.

Digweed cho biết, ở Anh không có tập tục cúng giỗ. Với người nước ngoài, khi thấy người Việt đốt vàng mã, họ cho là lãng phí và gây ô nhiễm, vì nghĩ là đốt rác, chứ không biết vàng mã là gì.

BBC dẫn lời kể của Ngọc Tiên, sinh viên năm cuối của Đại học Ngoại ngữ Huế, rằng, bà nội cô mất đã 5 năm, và khi nhớ nội, cô chạy xe lên nghĩa trang thắp hương, vào lúc chạng vạng. Điều này mang lại cho cô cảm giác bình yên.

“Ở đất nước tôi, ký ức về người thân yêu đã khuất thường chỉ được nhắc đến trong tang lễ người đó. Trong gia đình tôi, những ngày “giỗ” thường trôi qua trong im lặng, không có bất kỳ hoạt động cụ thể nào,” Luke Digweed chia sẻ.

BBC đề cập đến “thành phố ma” – “thành phố của người chết” nổi tiếng ở làng An Bằng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế, nơi có những ngôi mộ có họa tiết tinh xảo, cầu kỳ, được khảm sành sứ, như các kiến trúc cung đình.

BBC dẫn thông tin từ VnExpress, từ năm 2013, cho biết, tại đây, có những ngôi mộ được xây với kinh phí lên tới 10 tỷ đồng. Và so sánh, với 10 tỷ, người dân có thể mua được 2 căn hộ 70 m2 ở Sài Gòn hiện nay.

BBC dẫn báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Pew Mỹ, công bố vào tháng 7/2024, Việt Nam đứng hàng đầu trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á, ở các chỉ số liên quan đến việc thờ phượng ông bà, tổ tiên.

Theo đó, Việt Nam và Nhật Bản là 2 nước đứng đầu bảng xếp hạng về việc có các khu mộ tổ tiên. Nhưng trong khi người Nhật chọn vừa hỏa táng vừa chôn cất, thì hầu hết người Việt chọn cách chôn cất người đã khuất, và chính họ hoặc các thành viên trong gia đình, sẽ chăm lo những ngôi mộ, thay vì trả tiền cho bên khác.

BBC cho biết, khảo sát của Pew cho thấy, việc cúng đồ mã ít được thực hiện nhất trong số các tập tục thờ phượng tổ tiên.

Tuy nhiên, điều này lại phổ biến ở Việt Nam và Đài Loan, và người Việt đứng đầu bảng xếp hạng.

Người Việt có quan niệm “trần sao âm vậy”, nên nhiều người cúng đốt linh đình để người âm “không thiếu thốn”, và phù hộ cho họ.

BBC dẫn giải thích về văn hoá đồ mã của Tiến sĩ Trần Đình Hằng, Phân Viện trưởng, Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế, nói rằng, từ thời Lê – Nguyễn, vàng mã đã được triều đình và dân gian công nhận, trở thành vật dụng quan trọng phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tâm linh. Ngành thủ công làm vàng mã cũng phát triển mạnh mẽ, hình thành nên những làng nghề truyền thống độc đáo, như làng tranh cúng Sình (Lại Ân), làng hoa giấy Thanh Tiên (trang thờ Bà, Bếp), hay hàng mã Bao Vinh, An Cựu (Huế)…

Ngoài ra, Việt Nam còn đứng đầu trong việc đốt nhang; cúng đồ ăn thức uống; cúng hoa và thắp nến.

BBC dẫn lời kể của một người dân An Bằng, về câu chuyện những ngôi mộ trị giá hàng tỷ đồng. Theo đó, trước đây, người An Bằng sống bằng nghề chài lưới. Sau 1975, vì đời sống cực khổ và bế tắc, rất nhiều người đã vượt biên.

Những người đến được Mỹ, Úc, tiếp tục làm nghề đánh cá và kiếm được nhiều tiền, họ nghĩ, do ông bà tổ tiên phù hộ, nên gửi tiền về quê xây lăng tẩm.

“Dần dần cũng hình thành hiện tượng “con gà tức nhau tiếng gáy”. Khi một gia đình xây một ngôi mộ hoành tráng, các nhà khác có xu hướng tân trang mộ ông bà mình để trông bề thế hơn, thậm chí có trường hợp đập đi xây mới hoàn toàn, dù đã bỏ hàng trăm triệu đồng xây ngôi mộ trước đó.”

Dù vậy, người dân ở đây vẫn sống trong các căn nhà bình thường, vừa đủ tiện nghi, chứ không phải các biệt phủ xa hoa, lộng lẫy.

“Phần lớn người nhà của những lăng mộ này ở An Bằng không làm nghề gì cả. Họ được bà con bên nước ngoài gửi tiền về nuôi và chăm lo mộ phần tổ tiên.”

Luke Digweed nói với BBC rằng, không có người thân đã khuất nào trong gia đình anh có mộ, vì tất cả đều được hỏa táng.

“Khi so sánh nền văn hóa quê hương của tôi, với cách nhìn về cái chết ở Việt Nam, tôi cảm thấy rằng, Việt Nam dường như thể hiện một cách tốt hơn để tưởng nhớ và thương tiếc những người thân đã khuất”, Digweed cho biết.

 

Minh Vũ – thoibao.de