Thủ tướng làm ông Tổng phá, cơ chế tự trói chân!

Trên thế giới, chưa có thể chế chính trị nào cồng kềnh như bộ máy nhà nước Cộng sản. Cách tổ chức bộ máy nhà nước của Đảng Cộng sản là bộ máy song trùng. Tức là có hai bộ máy cùng điều hành đất nước, chứ không phải chỉ một bộ máy như các nước dân chủ. Ở Việt Nam, ngoài bộ máy Nhà nước còn có bộ máy của Đảng.

Bộ máy nhà nước có hành pháp, lập pháp và tư pháp. Tức là Chính phủ, Quốc hội và hệ thống tòa án. Tuy nhiên, bao nhiêu đó chưa đủ, Đảng Cộng sản còn lập ra bộ máy thứ nhì, đấy là bộ máy Đảng. Nếu nói bộ máy Chính phủ đứng đầu là Thủ tướng, thì bộ máy Đảng đứng đầu là Tổng Bí thư.

Ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu bộ máy Đảng

Trong cơ cấu song trùng này, bộ máy Đảng đứng trên bộ máy nhà nước và chỉ huy bộ máy nhà nước. Vì vậy, dù số lượng đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ khoảng 5 triệu, ít hơn rất nhiều so với số lượng công dân Việt Nam, nhưng về quyền lực, Tổng Bí thư có quyền lực cao nhất.

Thông thường, bộ máy Đảng đưa ra chủ trương và bộ máy nhà nước thi hành. Trong bộ máy nhà nước, Chính phủ là nơi chịu trách nhiệm thi hành hầu hết những chủ trương mà Đảng đề ra.

Ông Nguyễn Phú Trọng đã từng nói, “Hiến Pháp là văn kiện quan trọng thứ hai sau Nghị quyết Đảng”. Nghĩa là, ông Trọng công khai rằng, Đảng luật đứng trên pháp luật. Cho nên, đi song song với bộ máy song trùng là hệ thống song luật. Đó là Đảng luật (tức Điều lệ Đảng) và pháp luật (tức Hiến Pháp, luật pháp và các loại văn bản pháp lý dưới luật). Đảng luật có quyền lực cao hơn luật pháp.

Ông Thủ tướng Phạm Minh Chính, người đứng đầu bộ máy Chính phủ

Vì 2 tầng luật pháp và bộ máy song trùng, nên mới xảy ra hiện tượng, bên này làm bên kia phá. Bên này nỗ lực thì bên kia kìm hãm. Cơ chế vận hành của bộ máy nhà nước dạng tam quyền phân lập là ba nhánh quyền lực độc lập nhau và kiểm soát lẫn nhau, để hạn chế cái sai, hạn chế tham nhũng, hạn chế lạm quyền. Trong khi đó, cách tổ chức bộ máy nhà nước song trùng của Cộng sản bị chồng chéo gây lãng phí, đồng thời tạo điều kiện để lạm quyền phát tác và không có khả năng sửa chữa sai lầm.

Hiện nay, những chính sách kinh tế của Chính phủ đang bị trì trệ, vì chính sự kìm hãm của bộ máy Đảng. Ông Nguyễn Phú Trọng dùng Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để tiến hành đốn củi và tống vào lò, dẫn đến kết quả, cả bộ máy công quyền tràn ngập sợ sệt. Không ai dám làm, bởi làm thì sợ sai, mà sai thì có thể vào lò.

Ở các nước như Úc, Mỹ vv… không có cái gọi là “Ủy ban Kiểm tra Trung ương” hay “Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” nào cả. Tham nhũng hay tiêu cực là tội hình sự, mà tội hình sự thì có pháp luật xử lý, chẳng cần ban bệ tầng tầng lớp lớp như Việt Nam. Tại các nước dân chủ, chỉ có luật pháp là trên hết. Không ai đứng trên luật. Sẽ không có thứ luật quái đản là “điều lệ Đảng” như Việt Nam. Bộ máy song trùng nó gây ra hiện tượng trói chân nhau, bên Đảng trói chân bên Chính phủ.

Mới đây, báo Tiền Phong cho biết, kết thúc quý I, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tốc độ “rùa bò” chỉ đạt 9,69%, thấp hơn so với cùng kỳ nhiều năm gần đây; rất nhiều bộ, ngành vẫn chưa giải ngân được đồng vốn đầu tư công nào. Nguyên nhân thì không khó để nhận ra, đấy là do hiện tượng sợ không dám làm, hay làm cầm chừng và ngó trước ngó sau. Đấy là một ví dụ về kết quả bên Chính phủ bị bên Đảng trói chân.

Từ chỗ mất cân bằng trong cuộc chơi quyền lực, đó là bên Đảng trói chân Chính phủ thì được, nhưng ngược lại thì không, nên đã dẫn đến kết quả là, ông Phạm Minh Chính luôn ở thế bất lợi đối với ông Tổng Bí thư. Hiện nay, cứ bất kỳ chính sách nào bên Chính phủ đề ra thì bên Đảng phá bằng cách chém cho gãy thật nhiều củi, thì ai dám triển khai? Và cuối cùng, chẳng chính sách nào thực hiện trọn vẹn, hầu hết là không làm được hoặc chỉ làm nửa vời.

Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)