Tổng Trọng – lãnh đạo giáo điều, ôm mộng “đốt lò” đến cuối đời

Ngày 30/7, BBC Tiếng Việt đăng bài bình luận của Joaquin Nguyễn Hoà “Nguyễn Phú Trọng, hình ảnh bi tráng của “người Cộng sản cuối cùng”’.

Tác giả nhận xét, có người cho rằng, trong các nhân vật chính trị Việt Nam đương đại, ông Trọng có thể được sánh ngang với ông Lê Duẩn. Đánh giá này có lẽ cần được bàn thêm.

Ông Lê Duẩn điều hành một nước Việt Nam, trong một bối cảnh có thể nói là ít phức tạp hơn ông Trọng. Ông Duẩn còn là một vị Tổng chỉ huy lực lượng Cộng sản, chiến thắng ngày 30/4/1975, nên ông có cái uy của vị Tư lệnh.

Nước Việt Nam thời ông Duẩn, phân định ranh giới “địch – ta” rõ ràng. Xã hội tựu trung chỉ có 2 thành phần, cán bộ và dân chúng. Cán bộ thì nắm tất tần tật, còn dân chúng thì mới hoàn hồn sau chiến tranh, cũng chẳng mấy khó để cai trị. Không có internet, mà cũng chẳng có mạng xã hội.

Thời ông Trọng khác hẳn. Xã hội có nhiều thành phần, mà cán bộ cũng 5 – 7 phe. Chiến tuyến “địch – ta” không rõ ràng. Bộ phận dân chúng trẻ tuổi ngày càng đông, không biết chiến tranh là gì, lại học đủ thứ chuyện bên ngoài, thông qua internet, mạng xã hội. Ông Trọng cũng không có một uy thế thủ lĩnh thời chiến như ông Duẩn.

Tác giả cho biết, ông Trọng bị nhiều người chỉ trích, gọi bằng những danh từ xách mé, hay là nói ông là kẻ giáo điều Cộng sản. Nhưng dù ý kiến thế nào, ông cũng là nhà lãnh đạo Việt Nam nổi tiếng nhất trong thời bình.

Ông tiếp 3 vị tổng thống Mỹ – quốc gia cựu thù. Trong đó, có một lần ông được chào đón tại tòa Bạch Ốc, sự kiện cho thấy, Hoa Kỳ công nhận ông là nguyên thủ “trên thực tế” của Việt Nam.

Tên tuổi ông gắn với chính sách ngoại giao mềm dẻo, gọi là “cây tre”.

Theo tác giả, di sản nổi bật thứ 2 của ông, là cuộc đấu tranh chống tham nhũng, với tên gọi “đốt lò”. Nhiều người không ưa ông, hay không ưa chế độ Việt Nam hiện nay, gọi đấy chỉ là phương tiện, để ông cùng các “đồng chí” cánh hẩu, đấu đá nội bộ.

Tác giả cho rằng, chuyện “đốt lò” của ông Trọng tạo nên uy tín cho ông trong dân. Có thể, những hình ảnh người dân tiếc thương ông, bị báo chí của Đảng nói vống lên một chút, nhưng đa số dân Việt Nam kính trọng ông Trọng.

Tác giả nhận định, ông Trọng là người trong sạch. Cũng có những lời ra tiếng vào, nói ông dính tới vụ này vụ khác, nhưng không có gì chắc chắn cả.

Người ta không nghe nói gì đến con cháu ông, và cho đến cuối đời, ông vẫn đi lại bằng một chiếc xe công vụ cũ kỹ.

Giữa cơn rối loạn tư tưởng hậu Cộng sản, cộng với cái gọi là “kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa”, với “những viên đạn bọc đô la”, ông Trọng xuất hiện như một yếu tố trung hòa cho mọi nhu cầu.

Tác giả nhận xét, một mặt, ông lặp đi lặp lại những giáo điều Marx – Lenin, làm cho những đảng viên thuần Đảng được an tâm. Mặt khác, ông tung ra chiến dịch “đốt lò”, duy trì sự ổn định xã hội, cũng như tầng lớp đang cai trị quốc gia.

Tác giả nhận định, ông là một chính trị gia khéo léo, không thua kém bất cứ nhân vật chính trị quốc tế nào.

Có người bảo ông Trọng là “người Cộng sản cuối cùng”. Câu khẳng định này đúng hay sai, tùy theo chủ quan của mỗi người, tùy theo định nghĩa thế nào là Cộng sản.

Ông Trọng hiểu, nhưng ông vẫn hy vọng, cái mô hình Mácxít có cơ hội trở lại, sau khi ông hoàn tất “công cuộc đốt lò”. Đó chính là bi kịch Nguyễn Phú Trọng.

Vẫn theo tác giả, ông Trọng hoàn toàn hiểu rằng, mấy lời huấn thị giáo điều của ông, cứ đi từ lỗ tai này sang lỗ tai khác của cán bộ, nhưng ông cũng nghĩ còn nước còn tát. Hẳn ông cũng hiểu rằng, sau khi ông lên đường theo Karl Marx, thì khó mà tìm được cán bộ nào, chịu đi xe cũ và tiếp tục “đốt lò”.

 

Minh Vũ – thoibao.de