Tô “lên ngôi”: Bước 1 Hưng Yên hóa Ban Bí thư, bước 2 lập chế độ “gia đình trị”?

Tô Lâm đã chính thức lên Tổng Bí thư, với 100% số phiếu trong Bộ Chính trị, nghĩa là, thêm một lần nữa, Tô Lâm lại buộc Bộ Chính trị phải đồng ý với ông. Lần đầu, Tô Lâm ép Bộ Chính trị phải chấp nhận Lương Tam Quang làm Bộ trưởng, lần thứ nhì là ép Bộ Chính trị phải công bố tạm quyền Tổng Bí thư cho ông, ngay sau khi ông Trọng đã nhắm mắt lìa trần mà chưa công bố.

Với 8 năm làm Bộ trưởng Bộ Công an, Tô Lâm đã cho Hưng Yên hóa Bộ này, và nhờ đó, ông mới có đủ sức mạnh để tạo phản trước Nguyễn Phú Trọng. Hiện nay, Lương Tam Quang vẫn tiếp tục thực hiện chính sách Hưng Yên hóa Bộ Công an mạnh mẽ, theo chỉ đạo ngầm của Tô Lâm.

Có thể nói, Tô Lâm đi đến đâu thì ông cho Hưng Yên hóa đến đấy. Ở Hội nghị Trung ương 9, Tô Lâm đã thành công đẩy được đệ tử ruột là Nguyễn Duy Ngọc, sang làm Chánh Văn phòng Trung ương Đảng. Đây là bước đầu tiên để Hưng Yên hóa Ban Bí thư. Sau đó, khi Tô Lâm đã nắm giữ vai trò là chủ nhân của Ban này, thì Nguyễn Duy Ngọc sẽ trở thành tay hòm chìa khóa cho ông tại đây.

Như vậy, khi Tô Lâm tiến vào Ban Bí thư với vai trò ông chủ, thì quyền lực bắt đầu dịch chuyển. Rất có thể, vai trò của Nguyễn Duy Ngọc sẽ được nâng lên, mặc dù vẫn chỉ giữ chức Chánh Văn phòng Trung ương Đảng. Hiện trong Ban Bí thư có 8 uỷ viên Bộ Chính trị, nhưng trong đó có đến 7 người, là người được ông Trọng lựa chọn. Nếu Tô Lâm không hạn chế quyền lực trong tay những người này, thì có thể, trong Ban Bí thư sẽ xảy ra hiện tượng trên bảo dưới không nghe.

Nguyễn Duy Ngọc được xem là hạt giống Hưng Yên trong Ban Bí thư, rất có thể, thời gian tới, Tô Lâm sẽ chuyển thêm nhiều thuộc hạ nữa sang đây, để thay thế dần nhóm thuộc hạ cũ của ông Trọng.

So với Nguyễn Phú Trọng, Tô Lâm theo chủ nghĩa địa phương mạnh hơn. Dù sao ông Trọng cũng che chở cho nhiều nhóm lợi ích, cùng sống chung dưới trướng của ông. Nhưng Tô Lâm lại khác, gần như, ông chỉ dùng thuộc hạ gốc Hưng Yên, và rất hạn chế dùng thuộc hạ ngoài địa phương này. Những người không cùng gốc Hưng Yên, hoặc phải có quan hệ mang tính chất gia đình với Tô Lâm, hoặc phải là những người rất giỏi, bản lĩnh, mà Tô Lâm cần, như Tướng Đinh Văn Nơi là ví dụ. Tuy nhiên, giỏi như Tướng Nơi thì cũng chỉ là công cụ, khó có cơ hội được hưởng lợi từ Tô Lâm.

Chỉ mới làm quyền Tổng Bí thư, Tô Lâm đã cho sắp xếp lại Bộ Công an, và đưa con trai ông là Tô Long ra ánh sáng. Hạt giống đỏ này lâu nay ẩn nấp trong Cục An ninh Đối ngoại A01, giờ bước ra ánh sáng, hưởng lợi từ quyền lực của người cha. Rồi “cậu ấm” này cũng sẽ tiến thân thần tốc, sẽ là lãnh đạo Đảng trong tương lai, nếu Tô Lâm cầm quyền đủ lâu.

Một khi Ban Bí thư đã bị Hưng Yên hóa, thì xem như, toàn Đảng Cộng sản Việt Nam đã nằm trọn trong tay Tô Lâm. Và có lẽ, khi đó, Tô Lâm sẽ dùng Đảng để phục vụ cho lợi ích của gia đình ông. Những vị trí tốt nhất được dọn sẵn, những thuộc hạ được Tô Lâm dìu dắt cũng sẵn sàng che chở cho những cậu ấm cô chiêu mang họ Tô.

Tô Lâm chỉ vừa mới lên làm Tổng Bí thư, báo chí quốc doanh đã bắt đầu tôn sùng ông bằng từ “suy tôn”. Không biết, sắp tới, ý đồ của Tô Lâm là gì? Trước khi lên làm Tổng Bí thư, Tô Lâm đã gần như thao túng toàn bộ hệ thống báo chí quốc doanh. Giờ đây, với quyền lực gần như tuyệt đối trong tay, liệu Tô Lâm có bỏ qua cơ hội biến bản thân thành “thánh nhân” hay không?

Tô Lâm bước lên đỉnh cao quyền lực, Việt Nam sẽ trở thành một nước, vừa độc tài toàn trị, vừa độc tài cá nhân, với bộ khung là những người đồng hương và những thân hữu của họ Tô.

 

Thái Hà – Thoibao.de