Tô Tổng trảm 4 tướng thị uy, các lãnh đạo Nghệ Tĩnh lo sợ sẽ “vô lò”

Với tinh thần “tốc chiến, tốc thắng”, chỉ hơn 2 tuần sau khi Tổng Trọng qua đời, Chủ tịch Tô Lâm đã giành được chiếc ghế “quyền lực nhất” của Đảng.

Như vậy, chỉ trong vòng 73 ngày, ông Tô Lâm đã nắm giữ trong tay cả 2 chức vụ cao nhất, là Tổng Bí thư và Chủ tịch nước. Trước đây, vào tháng 10/2019, sau khi cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời, ông Trọng cũng đã giữ chức Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có bất kì cơ quan truyền thông nào sử dụng cụm từ “Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước”, theo mô hình nhất thể hóa, để nói về chức vụ của Tô Lâm. Điều đó cho thấy, trong nội bộ Đảng vẫn còn tranh chấp, và chưa thể kết luận, liệu ông Tô Lâm sẽ nhất thể hoá, hay giữ duy nhất chức Tổng Bí thư, còn ghế Chủ tịch nước sẽ dành cho một nhân vật khác.

Khả năng cao, ông Tô Lâm thực hiện nhất thể hóa, để kiêm nhiệm cả Tổng Bí thư và Chủ tịch nước, theo mô hình của Tập Cận Bình ở Trung Quốc. Như vậy, ông sẽ nắm quyền lực tuyệt đối trong Đảng.

Ngay sau khi Tô Lâm vừa nhận chức Tổng Bí thư sáng 3/8, thì trong phiên làm việc buổi chiều cùng ngày, Văn phòng Trung ương Đảng ra thông cáo, Ban Chấp hành Trung ương xem xét đơn xin thôi giữ các chức vụ trong Đảng của một số lãnh đạo cơ quan Trung ương và địa phương.

Theo đó, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định cho ông Lê Minh Khái thôi giữ chức Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 13. Các ông Đặng Quốc Khánh – Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường; Nguyễn Xuân Ký – Bí thư Quảng Ninh; và Chẩu Văn Lâm – Bí thư Tuyên Quang, thôi giữ chức uỷ viên Trung ương Đảng khóa 13. Với lý do, 4 người này đã vi phạm các quy định của Đảng, trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm.

Từ quyết định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, những cá nhân vừa kể, nếu giữ các chức vụ trong chính quyền, thì sẽ được các cơ quan hữu trách làm thủ tục miễn nhiệm. Cụ thể, Quốc hội sẽ phê chuẩn việc miễn nhiệm chức Phó Thủ tướng của ông Lê Minh Khái, và chức Bộ trưởng của ông Đặng Quốc Khánh, theo đề nghị của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Như vậy, cho đến lúc này,  tất cả các phó thủ tướng được bầu từ đầu nhiệm kỳ khóa 13, đến nay đã không còn một ai. Cụ thể, ông Lê Văn Thành qua đời, ông Phạm Bình Minh và ông Vũ Đức Đam đã xin thôi chức. Nhân vật cuối cùng là ông Lê Minh Khái cũng vừa bị miễn nhiệm.

Công luận cho rằng, buổi sáng, ông Tô Lâm đoạt chức Tổng Bí thư, buổi chiều, ông lập tức vung kiếm, hạ ngay 4 nhân vật là ủy viên Trung ương. Sang tuần tới, có thể sẽ đến lượt nhóm Nghệ An, Hà Tĩnh. Khả năng cao, những cái tên Trần Cẩm Tú, Phan Đình Trạc, và Trần Hồng Hà – những món nợ cũ của Tô Lâm, sẽ phải ra đi.

Phó Thủ tướng Khái là đệ tử thân cận của cựu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ông Khái từng giữ chức Phó tổng Kiểm toán Nhà nước và Tổng Thanh tra Chính phủ.

Bí thư Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký – một nhân vật được cho là đàn em thân tín của Thủ tướng Chính. Nếu ông Ký nắm giữ những bí mật về bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, thì Thủ Chính sớm muộn cũng sẽ bị Tô Tổng xử lý.

Trong số 4 nhân vật vừa bị cho thôi chức, Đặng Quốc Khánh là đối thủ của Nguyễn Thanh Nghị – Bộ trưởng Xây dựng. Đặng Quốc Khánh là con cựu Bí thư Hà Tĩnh Đặng Duy Báu.

Theo giới thạo tin, Nguyễn Thanh Nghị được cho là ứng viên sáng giá cho chức Phó Thủ tướng, thay cho Trần Hồng Hà. Từ đó có thể thấy, vị thế của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có lẽ vẫn còn vững như bàn thạch.

Chiến thắng của ông Tô Lâm hình như vẫn có bóng dáng của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, một đối thủ của Tổng Trọng.

 

Trà My – Thoibao.de