Đảng hốt đất dân, quan rút đất Đảng. Trò chơi Đảng bày, dân luôn thua!

Vụ bắt ông Nguyễn Công Khế – cựu Tổng Biên tập báo Thanh Niên và Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên – từ báo quốc doanh đến báo tự do, đều nhắm vào phân tích, mổ xẻ nguyên nhân đã đưa ông Khế vào tù: Đó là sai phạm tại khu đất 151 – 155 Bến Vân Đồn, quận 4, thành phố Hồ Chí Minh.

Ở chế độ này, từ lâu đã hình thành một dòng chảy đất đai, mà dường như, không ai có thể cản được. Đó là: nhà nước chuyên cướp đất của dân, rồi quan chức chiếm đoạt lại đất đai của nhà nước.

Ở đất nước này, đã có quá nhiều vụ cướp đất lớn, mà cho đến hôm nay, và mãi mãi, nó là vết nhơ nói lên bộ mặt thật của chế độ. Đó là những vụ như Tiên Lãng – Hải Phòng, Văn Giang – Hưng Yên, Dương Nội và Đồng Tâm – Hà Nội, vườn rau Lộc Hưng và Thủ Thiêm – Sài Gòn.

Dân mất đất về tay nhà nước, phải vật vã khổ sở khiếu kiện, từ năm này sang năm khác, mà không có kết quả. Trong khi đó, bao nhiêu khu đất vàng đã bị quan chức cấu kết nhau, lùa vào tay các doanh nghiệp sân sau để hưởng chênh lệch.

Khu đất 151 – 155 Bến Vân Đồn, quận 4, vốn là đất của doanh nghiệp nhà nước – Nhà máy Thuốc lá Sài Gòn. Nhà máy Thuốc lá có ý định bán khu đất này, báo Thanh Niên (được coi là một doanh nghiệp nhà nước) lập tờ trình gửi Thủ tướng xin mua, và được chấp nhận. Tuy nhiên, sau khi mua được khu đất này, ông Nguyễn Công Khế không xây trụ sở, mà bán lại cho Novaland – một doanh nghiệp tư nhân.

Cơ chế là do con người tạo ra, đất của nhà nước, được bán cho một doanh nghiệp nhà nước, nên họ bán theo dạng chỉ định. Đây là kẽ hở rất lớn, bởi một khi, đất rơi vào tay doanh nghiệp nhà nước, và từ đó, các quan chức nghĩ cách chuyển lòng vòng, để rồi cuối cùng rơi vào tay tư nhân.

Giá chỉ định rất thấp so với giá thị trường, nhưng khi được bán cho doanh nghiệp tư nhân, thì lại bán với giá thị trường. Số tiền chênh lệch này rất lớn và đã làm giàu cho không biết bao nhiêu quan chức.

Ông Nguyễn Công Khế nằm trong bộ máy này, ông cũng không dại gì mà bỏ qua cơ hội vàng như thế.

Báo Thanh Niên sử dụng cơ sở 151 – 155 Bến Vân Đồn chỉ khoảng 1 năm, rồi dời đi, để khu đất này chuyển đổi mục đích. Ban đầu dự định xây cao ốc văn phòng và trưng dụng một số tầng làm trụ sở Tòa báo. Nhưng cuối cùng, lô đất đắc địa này đã rơi vào tay Novaland.

Đây được gọi là chiêu: Đẩy đất đi lòng vòng, sao cho, đích đến cuối cùng là bán cho tư nhân với giá thị trường, để hưởng chênh lệch.

Cách chuyển nhượng lòng vòng như vậy, cũng tương tự như với cách mà quan chức cơ cấu cho con em mình lên cao. Ví dụ, ông Thiếu tướng Vũ Hồng Văn, được anh vợ Tô Lâm liên tục đẩy qua các chức vụ rất nhanh. Từ Giám đốc Công an Đắk Lắk – 1 năm 155 ngày, qua Giám đốc Công an Đồng Nai – 2 năm 216 ngày, Cục trưởng Cục an ninh nội bộ – 1 năm 150 ngày; và hiện nay, là Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương – được 3 tháng.

Khu đất 151 – 155 Bến Vân Đồn bị chuyển nhượng lòng vòng, nhưng mỗi chức năng chỉ thực hiện trong một thời gian ngắn, rồi chuyển đổi mục đích tiếp là cách những lợi ích nhóm đối phó với quy định. Trong bổ nhiệm người thân cũng dùng cách này. Bài này quá quen thuộc và gần như quan chức áp dụng trong mọi lĩnh vực, mọi hoàn cảnh. Chính nó đã đem lại lợi ích rất lớn cho những kẻ có quyền thế.

Kỳ họp Quốc hội bất thường lần này có bàn về Luật Đất đai sửa đổi. Cũng giống như bao lần khác, sửa tới sửa lui nhưng cuối cùng dân vẫn bị mất đất và biến thành dân oan. Đất của nhà nước vẫn cứ rơi vào tay tư nhân và những nhóm lợi ích thân hữu. Người Cộng sản làm luật để lách, chứ họ không làm luật vì sự công bằng, vì sự phát triển bền vững của đất nước. Trong trò chơi của Đảng, dân luôn là kẻ thua cuộc.

Ý Nhi – Thoibao.de

18.1.2024