Tô Đại có được làm Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước theo mô hình nhất thể hóa hay không?

Sáng 3/8, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 đã khai mạc tại Hà Nội. Nội dung quan trọng nhất của Hội nghị là bầu chọn Tổng Bí thư, thay thế cho Tổng Trọng.

Chủ tịch nước Tô Lâm đang tạm điều hành Đảng, và kết quả bỏ phiếu kín, ông trúng Tổng Bí thư với tỷ lệ tuyệt đối 100%. Đây là sự thay đổi lớn đến bất ngờ.

Đánh giá về Tô Lâm, giới phân tích quốc tế cho rằng, khi còn làm Bộ trưởng Công an, Tô Lâm đã không nhận được sự ủng hộ cao của tập thể lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Cụ thể, trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với 44 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn, hồi tháng 10/2023, ông Tô Lâm nhận được rất ít số phiếu “tín nhiệm cao”, kém người dẫn đầu là Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng. Đồng thời, Tô Lâm cũng nhận được nhiều phiếu “tín nhiệm thấp” nhất, trong số 6 uỷ viên Bộ Chính trị nắm giữ các chức vụ do Quốc hội bổ nhiệm.

Tuy nhiên, tại Hội nghị bất thường của Trung ương Đảng sáng 3/8, khi bỏ phiếu chức danh Tổng Bí thư, nhiệm kỳ 2021 – 2026, ông Tô Lâm lại nhận được sự ủng hộ tuyệt đối.

Điều đó cho thấy, có sự đồng thuận cao “hiếm thấy” trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Nhất là sau hơn nửa năm, nội bộ lãnh đạo thượng tầng của Đảng có những xáo trộn rất lớn về nhân sự.

Giải thích về nguyên nhân, dù bỏ phiếu kín, nhưng Tô Lâm vẫn nhận được sự ủng hộ tuyệt đối 100%, theo giới thạo tin, các cơ quan nghiệp vụ của Bộ Công an thừa khả năng để nắm bắt, trong số 180 uỷ viên Trung ương chính thức, ai chọn “đồng ý”, ai chọn “không đồng ý”. Từ đó, Bộ Công an có thể “trảm” ngay lập tức những ai không ủng hộ Tô Lâm.

Lần Hội nghị lần này, không diễn ra tại Trụ sở Trung ương Đảng – số 1 Hùng Vương, như thường lệ, mà lại được tổ chức tại Hội trường Bộ Quốc phòng. Đây có thể là chủ kiến của Tô Lâm, muốn xóa bỏ các đồn đoán về mâu thuẫn giữa Chủ tịch nước với giới chức tướng lĩnh của Bộ Quốc phòng.

Sau khi Hội nghị kết thúc, tại cuộc họp báo sáng 3/8, ông Lại Xuân Môn, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, đã thông báo việc ông Tô Lâm được bầu làm Tổng Bí thư, thay Tổng Trọng, với số phiếu bầu tuyệt đối.

Nhưng việc Tổng Bí thư Tô Lâm có kiêm luôn chức Chủ tịch nước, theo mô hình “nhất thể hóa” giống Trung Quốc hay không, vẫn là vấn đề còn đang tranh luận.

Nhiều ý kiến khẳng định, truyền thông nhà nước đưa tin và gọi ông Tô Lâm là Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước là đúng. Vì hiện nay, ông Tô Lâm đang nắm cả 2 chức vụ này. Nhưng tiếp theo, ông Tô Lâm có thôi chức Chủ tịch nước, để một nhân vật khác lên thay hay không, thì chưa có thông tin rõ ràng.

Đánh giá về việc Tô Lâm được bầu làm Tổng Bí thư, Giáo sư Carl Thayer, từ Úc, nhận xét, ông Tô Lâm sẽ đảm nhiệm phần còn lại của nhiệm kỳ Đại hội 13, trong 16 tháng, cho đến khi Đại hội 14 được tổ chức. Giáo sư Thayer nói rằng:

“Khi Tô Lâm đã là Tổng Bí thư, có khả năng, ông sẽ từ chức Chủ tịch nước. Sau đó, Ban Chấp hành Trung ương sẽ đề xuất người thay thế ông lên Quốc hội. Nếu kịch bản này xảy ra, “Tứ trụ” sẽ được khôi phục ở Việt Nam.”

Có những sự thay đổi bất ngờ, đảo lộn so với những tin tức rò rỉ từ giới thạo tin, nguồn tin nội bộ của Thoibao.de khẳng định, Bộ Công an trước đó đã tung ra rất nhiều thông tin sai lệch rằng, Tô Lâm chỉ giữ duy nhất chức Tổng Bí thư, còn chức Chủ tịch nước thì giao cho Thường trực Ban Bí thư Lương Cường.

Đồng thời, nguồn tin cũng khẳng định với Thoibao.de như “đinh đóng cột” rằng, ông Tô Lâm chắc chắn sẽ là Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước. Công an tung tin giả để “đánh lừa các báo nước ngoài nhằm làm mất uy tín. Thật sự Tứ Trụ giờ trở thành Tam trụ”.

Nói tóm lại, hiện nay Tô Lâm chắc chắn là Tổng Bí thư kiêm chức Chủ tịch nước, cho dù truyền thông nhà nước đưa tin theo mô típ của báo Đảng, với tiêu đề, “Đồng chí Tô Lâm được bầu giữ chức Tổng Bí thư”. Nhưng tiếp theo, ông Tô Lâm có thôi chức Chủ tịch nước, để một nhân vật khác lên thay hay không, thì chưa có thông tin rõ ràng.

 

Trà My – Thoibao.de